Học sinh Vinschool ra mắt sách viết bằng tiếng Anh

(NLĐO) - 13 câu chuyện nhỏ thú vị dưới góc nhìn tuổi "teen" đã được các học sinh của trường Vinschool giới thiệu trong cuốn sách “So that I will roar you gently” viết hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Trung tâm tư vấn và phát triển tài năng (GATE Center) của Vinschool vừa ra mắt cuốn sách Anh ngữ đầu tay “So that I will roar you gently” do các học sinh ở độ tuổi cấp 2, cấp 3 đến từ Vinschool sáng tác tại Phố sách Hà Nội.

Học sinh Vinschool ra mắt sách viết bằng tiếng Anh - Ảnh 1.

Tác giả của cuốn sách là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông Vinschool

Cuốn sách gồm 13 câu chuyện nhỏ được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh do 11 học sinh trong độ tuổi từ lớp 7 đến lớp 12 tự sáng tác. Những câu chuyện với những cái nhìn đa chiều, nhiều màu sắc về các khía cạnh của xã hội, cuốn sách là một tuyên ngôn "chúng tôi viết về chúng tôi" tự tin và trí tuệ của lứa tuổi 10x. Cuốn sách cũng mở ra cơ hội để các bậc phụ huynh bước vào thế giới của con em mình và gây bất ngờ trước sự trưởng thành của các bạn trẻ.

Chia sẻ về dự án xuất bản sách, đại diện Trung tâm tư vấn và phát triển tài năng cho biết dự án bắt nguồn từ sự thôi thúc giúp học sinh tài năng có cơ hội được khơi dậy sự sáng tạo trong tư duy và mong muốn các bậc phụ huynh thấu hiểu con em mình hơn.

Trong vòng 3 tháng, nhóm 11 tác giả trẻ đã viết và hoàn thiện tác phẩm của mình. Ngoài những tác phẩm viết, nhiều em còn thể hiện tài năng hội họa thông qua các bức vẽ minh họa ấn tượng cho chính các tác phẩm của bạn mình.

Học sinh Vinschool ra mắt sách viết bằng tiếng Anh - Ảnh 2.

Cuốn sách của các học sinh trường Vinschool

Được chia làm 3 chương với 13 mẩu chuyện, "So that I will roar you gently" gồm những câu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc sống và tâm tư những bạn trẻ đang tuổi cắp sách tới trường về các vấn đề xung quanh, từ trường lớp, gia đình, đến cộng đồng xã hội.

Trong tác phẩm “Do Vietnamese Schools Kill Creativity?”, học sinh Nguyễn Duy Quân đã bày tỏ quan điểm của mình về việc cần cải cách giáo dục, đồng thời đưa ra những mong muốn thay đổi tại trường học để có thể phát huy tính sáng tạo của học sinh.

Hay trong câu chuyện “I don’t know what I want”, học sinh Trần Đức Toàn đã thể hiện nỗi lo âu về một thế hệ trẻ người Việt sẽ trở nên thụ động trong việc tư duy và thiếu quyết đoán thông qua việc quan sát hành vi và suy nghĩ của các bạn mình tại một quán cà phê.

Cuốn sách cũng mang theo sự bỡ ngỡ trong hành trình lớn lên về mặt nhận thức, sự lo lắng khi có những thay đổi về tâm lý của lứa tuổi học trò thông qua các câu chuyện về tình yêu, tình cảm gia đình. Mỗi chuyện “Colors”, “Where All the Wind Blows”, “Someone in the Crowd”, “Teaching Them a Lesson”, “Far from Home” chính là tiếng thì thầm của các em mong muốn được bày tỏ ý kiến, được thấu cảm và chia sẻ từ người lớn.