Kiểm soát chặt để nâng chất lượng

Thực trạng của ĐH Việt Nam là sự phát triển ồ ạt các trường, các ngành học mà không theo một chiến lược nào

Ngày 28-6, gần 100 nhà lãnh đạo, chuyên gia của các trường ĐH trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo quốc tế “Đáp ứng nhu cầu về lãnh đạo và quản lý giáo dục ĐH trong thế kỷ XXI” do Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO ở Việt Nam tổ chức tại TPHCM.

Tăng lượng mà giảm chất

Tại hội thảo, vấn đề nhiều đại biểu bàn luận nhất là quản lý chất lượng giáo dục ĐH. Nhiều đại biểu có chung nhận định: Việc đổi mới toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam được tiến hành từ năm 1987 với nhiều mục tiêu song do hạn chế về nguồn lực nên những nỗ lực của toàn xã hội cũng như bản thân ngành giáo dục chưa đem lại kết quả như mong muốn.

Ông Đinh Tuấn Dũng, Phó Giám đốc chương trình tiên tiến Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng cùng với cải cách là sự phát triển nhanh chóng số lượng các trường ĐH, CĐ. Từ 1998-2008 đã có 198 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp, số lượng ngoài công lập tăng 4 lần. Như vậy, có thể nói mặt thành công của cuộc cải cách vừa qua mới đạt được yêu cầu về số lượng, còn chất lượng chẳng những không duy trì được mà còn có dấu hiệu đi xuống.

“Trên bảng xếp hạng gần đây, trong các trường ĐH tốp đầu của thế giới, Việt Nam chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội lọt vào top 1.000. Điều đó càng khẳng định chất lượng của giáo dục ĐH Việt Nam đang ở vùng trũng trên bản đồ thế giới”- ông Dũng dẫn chứng.

Bà Ngô Tuyết Mai, nghiên cứu sinh của Trường Giáo dục, ĐH New South Wales (Úc), nói đã đến lúc cần phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu để đổi mới cách thức lãnh đạo và quản lý tại các trường ĐH công lập ở Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức ở chỗ tất cả các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục chủ chốt đã quen với cơ cấu trước đây. Bà Mai cho rằng cần tìm hiểu những xu hướng quản lý ĐH của các nước trên thế giới và có sự lựa chọn một cách thận trọng cơ cấu quản trị ĐH phù hợp.

Phải kiểm định chất lượng

TS Nguyễn Quang Giao, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), nhấn mạnh cần từng bước áp dụng khái niệm quản lý chất lượng tổng thể từ lĩnh vực sản xuất sang giáo dục để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo. Quản lý tổng thể với các tính năng cơ bản là luôn luôn tìm kiếm nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng với những cải tiến thực hiện liên tục, xây dựng văn hóa tổ chức, bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc rộng rãi, thay đổi chất lượng thông qua các phương pháp làm việc nhóm.

Theo TS Giao, nhiều quốc gia nghiên cứu ứng dụng phương pháp này và theo đó, chất lượng giáo dục ĐH luôn được bảo đảm và nâng cao cùng lúc với hình ảnh và thương hiệu được ghi nhận ở tầm khu vực và thế giới. Do vậy, ĐH Việt Nam muốn nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo thì cũng nên áp dụng phương pháp này.

Ông Dũng lưu ý đến thực trạng của ĐH Việt Nam là sự phát triển ồ ạt các trường, các ngành học mà không theo một chiến lược nào; nhiều trường ĐH không xác định được mục tiêu, sứ mạng của mình, đua nhau đổ xô theo những ngành thời thượng; bản thân các trường không xác định được hướng phát triển nên sau rất nhiều năm đổi mới, chất lượng hầu như không tăng. Nguyên nhân của sự giảm sút chất lượng là do hoạt động kiểm định chất lượng không được coi trọng đúng mức. Tất cả các trường ĐH hoặc những ngành bị đóng cửa đều là do không thường xuyên thực hiện kiểm định chất lượng.

Do đó,  ông Dũng nhấn mạnh là phải luật hóa công tác kiểm định chất lượng thì kết quả kiểm định mới phản ánh trung thực nền giáo dục, từ đó mới có biện pháp chính xác để nâng cao chất lượng. 

Coi nhẹ nguyên nhân

Ông Đinh Tuấn Dũng nói ở các nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Mỹ, Úc… hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục rất phát triển, trong khi ở Việt Nam, hoạt động này hạn chế nên việc đánh giá thực trạng của nền giáo dục cũng chưa thấu đáo. Thực tế là các trường ĐH Việt Nam hầu như chưa tiếp cận với phương pháp đánh giá hiện đại mà vẫn luẩn quẩn với cách đánh giá nặng về kể lể, nêu thành tích mà coi nhẹ việc tìm nguyên nhân nội tại của chính mình. Vì vậy, hằng năm, mỗi trường đều có tổng kết, báo cáo nhưng vẫn không tìm ra được căn nguyên của yếu kém, lạc hậu nên năm sau lặp lại những sai sót, hạn chế của năm trước.