"Lão hóa" vì... luyện thi

"Đang học khoa Kiến trúc, Trường ĐH Mở, lại bỏ học để trầy trật 5 năm trời thi vào trường Mỹ thuật..." – Long, SV năm thứ 3, ĐH Mỹ thuật tâm sự. Cũng như Long, có những sĩ tử đã kiên trì qua cả chục mùa thi để nuôi ước mơ làm họa sỹ, bất chấp nhiều sức ép về thời gian, tiền bạc, gia đình.

Thầy giáo cũng... ôn thi

Không khí tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu – Hà Nội) vào những ngày này rộn ràng hơn hẳn.

Phần vì SV năm thứ 3 chuyên ngành Hội họa, Điêu khắc có các buổi vẽ hình họa ngoài trời liên tiếp trong nhiều tuần, phần vì không khí hối hả của các lớp luyện vẽ nước rút trước khi nộp bài sơ tuyển năng khiếu.

img
Các lớp luyện vẽ rộn rã khi bước vào mùa tuyển sinh. Ảnh: Trần Hoa

Không chỉ những bạn mới chập chững vẽ mới đến lớp luyện thi. Nhiều người 4-5 năm liền vẫn kiên trì đến lớp luyện hàng ngày để mong “vẽ lên tay” hơn trong kì thi sắp tới.

Đăng - người được coi là vẽ giỏi nhất lớp đã có thâm niên luyện thi tới... 4 năm. Lớp chỉ có khoảng hơn 20 người, nhưng không ít gương mặt trong đó đều có thâm niên thi cử ngang ngửa, hoặc nhiều hơn so với Đăng.

Ngoài lớp luyện do trường mở, nhiều lớp luyện bên ngoài cũng rộn rã khi bước vào mùa tuyển sinh. Lớp luyện của Long, Ninh (SV năm thứ 3, khoa Sư phạm) đã bước sang năm thứ 2, được tổ chức ở xóm Triều Khúc, Thanh Xuân.Phương (em gái Long) là gương mặt trẻ nhất trong lớp, đang chuẩn bị thi lần thứ hai vào Trường ĐH Mỹ thuật.

Điều rất bất ngờ là “lớp trưởng” lớp luyện thi lại là 1 thầy giáo, giảng viên của Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, đang ôn luyện để thi vào lớp tại chức của Trường ĐH Mỹ thuật. Ninh, "thầy luyện" của lớp cũng đã là thầy giáo, có công việc ổn định ở Tuyên Quang.
Thế nhưng, với ước mơ trở thành họa sỹ thực thụ, cứ đến hè, Ninh lại xuống Hà Nội ôn để thi vào ĐH Mỹ thuật. Phải đến 3 năm miệt mài, Ninh mới trở thành SV của trường. Thú vị hơn là câu chuyện của C., SV năm thứ nhất khoa Sư phạm. Quá đam mê hội họa, anh chàng này đã giấu bạn gái chuyện thi không đỗ đại học của mình, và miệt mài ôn luyện. Cho đến khi cô gái phát hiện sự thật thì đã quyết định kết thúc mối quan hệ…

Lúc C. trở thành SV năm thứ nhất thì cô gái kia đã chuẩn bị ra trường… “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa ve kêu phượng nở, ở đâu làm gì, cũng về đi thi bằng được. Nó là việc làm không cần suy nghĩ, dường như ngấm vào máu”- Hồng Phương, người có thâm niên đi thi cả chục năm vào trường Mỹ thuật kể chuyện.

Anh Phương lí giải nguyên nhân khiến nhiều sĩ tử năm nào cũng "chôn chân" luyện thi ở trường họa: Càng thi không được thì càng cay cú, càng trượt lại càng... thi.

Luyện thi năm lần bảy lượt, có người đến cả chục năm... nên các sĩ tử hay đùa nhau là... bị "lão hóa" vì luyện thi.

Lo "văn" nhiều hơn lo "họa"

Cũng như bất cứ một thí sinh thi lâu năm nào, những người cố công thi vào các trường Mỹ thuật đều chịu nhiều sức ép. Đó là sức ép về công việc, tuổi tác, thu nhập, thời gian, kiến thức…

Mặc dù có lợi thế là có trải nghiệm cuộc sống, kỹ năng vẽ "lên tay" sau nhiều năm lăn lộn ôn thi, nhưng những sĩ tử này lại khó khăn trong việc dung nạp kiến thức các môn khác. Trong 6 buổi thi liên tục thì có tới 5 buổi thi họa, còn một buổi thi văn. “Năm nay, môn văn lại có thêm một số tác phẩm mới mà trước kia mình không được học, nên cũng khó khăn trong việc làm bài.

Đi luyện vẽ đã tốn nhiều thời gian, không mấy ai có điều kiện luyện thi môn văn. Chủ yếu là lúc gần thi thì tự học ở nhà” – lớp trưởng lớp luyện ở Triều Khúc bộc bạch.

img
Các tác phẩm của Hồng Phương, người đã tham gia nhiều cuộc triển lãm hội họa trong nước, đã từng mòn gối ở trường thi cả chục năm.Ảnh: Trần Hoa

“Sắp xếp công việc cho hợp lý cũng là chuyện cần quan tâm, vì hầu hết bọn mình vừa làm vừa học. Nghỉ làm để học, để thi, thi xong nếu đỗ thì không nói, mà không đỗ thì phải tính xem sẽ làm gì để năm sau lại thi tiếp”, Khánh mệt mỏi nói.Đó là chưa kể áp lực từ gia đình, bởi không phải ông bố, bà mẹ nào cũng ủng hộ quyết định của con cái. “Đang học khoa Kiến trúc, Trường ĐH Mở, lại rẽ ngang sang thi Mỹ thuật. Sau đó, bỏ hẳn Trường ĐH Mở để trầy trật 5 năm trời thi vào trường Mỹ thuật, đôi lúc mình cũng thấy khó tin chứ nói gì đến các cụ” – Long tâm sự.

Là người có nhiều kinh nghiệm đi thi, cả Long và anh Hồng Phương đều cho rằng: không nhất thiết phải học ở trường thì mới trở thành họa sỹ, cũng không chắc những người đã thi đỗ đều sẽ vẽ giỏi hơn người khác. Quan trọng là “sau sự thất vọng mình làm được gì” như cách nói của Long, và “trong đấy (bức vẽ)  anh có những gì” như cách nói của Hồng Phương. ·