Luật thi cử ngày xưa - Giá trị vẫn còn đó...
(NLĐO)- Gần như kỳ thi Tú tài năm nào cũng có những tiêu cực, những gian lận. Hiện nay, nhiều người đang hồi hộp theo dõi kỳ thi tuyển sinh đại học 2006 của các trường. Các nhà quản lý giáo dục, hãy nhìn xem ông cha chúng ta tổ chức các kỳ thi cách đây hàng trăm năm như thế nào mà tài thế!
Nếu nhận định rằng luật thi cử ngày xưa ở nước ta rất nghiêm ngặt thì không khỏi khiến cho một số người hoài nghi. Vì nếu đã “nghiêm” sao lại có những vụ bán văn trong trường như kiểu Vân Hạc, Đốc Cung trong tác phẩm “Lều chõng” của Ngô Tất Tố? Quan trường mà “nghiêm minh” sao còn xảy ra những vụ án gây chấn động giới sĩ phu như vụ Lê Quý Kiệt đổi quyển thi với Đinh Thì Trung …?
Sự thật, gian lận trong thi cử thời nào cũng có, nhưng chỉ vì một số gian lận mà mà chê khoa cử ngày xưa tổ chức không nghiêm ngặt thì e là không đúng. Quả thật, ông cha ta đã nghĩ ra hết cách để phòng ngừa. Thiết tưởng, đời nay chưa chắc đã bằng: không những thí sinh bị khám xét và canh phòng cẩn mật mà cả đến quan trường cũng bị giám thị gắt gao, luật lệ vô cùng chặt chẽ đến từng chi tiết. Hãy xem thử một kỳ thi Hương thời Nhà Nguyễn
THÍ SINH VÀ NHỮNG ĐIỀU KIỆN DỰ THI THỜI NHÀ NGUYỄN
. Thi Hạch
Không phải học trò nào cũng có quyền thi Hương, muốn thi Hương phải trải qua kỳ thi Hạch, có đỗ mới được thi. Thi Hạch được tổ chức mỗi năm một lần, những người đỗ gọi là Khóa Sinh, người đỗ hạng nhất gọi là Đầu Xứ.
. Nộp Quyển:
Mấy tháng trước kỳ thi Hương, thí sinh phải nộp Quyển cho quan Đốc học tỉnh nhà như là một thủ tục để ghi danh đi thi. Từ năm 1829, học trò ứng thi phải ghi đủ tên họ và lý lịch ông cha 3 đời trên mặt Quyển, lời khai phải được Lý trưởng xác nhận. Những người có ông cha làm xướng ca, trộm cắp, làm giặc đều không được dự thi. Cho nên nhiều người muốn đi thi phải khai man. Nếu phạm những tội này thì cho dầu có đỗ đến Tiến sĩ cũng bị truất. Thời nhà Lê, có khi Lý trưởng phải ra tận trường thi để nhận diện thí sinh, tránh những vụ nhờ người thi hộ. Khoa cuối triều Nguyễn, thí sinh phải dán ảnh..
Lệ năm 1831 định rằng: Quyển Thi không được có vết tích gì (e làm dấu hiệu thông đồng với khảo quan). Họ tên và quê quán được xét tường tận, chính xác rồi quan Tổng đốc và quan Đốc học mới đóng triện và ký tên vào danh sách những người dự thi và gởi về kinh. Triều đình dựa theo danh sách sĩ tử đó mà ấn định số lượng Khảo quan (Giám khảo) nhiều hay ít.
. Ngày Thi:
![]() |
Lễ Xướng-danh khoa Đinh-Dậu (1897) trường Hà-Nam |
Từ nửa đêm trước, các quan mặc áo đại triều, ngồi trên ghế trước cổng vào để chứng kiến lễ điểm danh và coi bọn Lính Thể sát khám xét không cho thí sinh mang sách và bài vở làm sẵn vào trường.
. Lệ Thi ( Nội Qui Thi).
Ngay kỳ thi Hương 1807, những vi phạm như: mang sách vào trường thi, sang lều người khác hỏi chữ, thi hộ… đều bị xem như là tội đồ và tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà có các hình thức phạt như: đóng gông đuổi ra khỏi trường thi, đánh 100 trượng, xoá tên trong sổ không cho đi thi vĩnh viễn, hoặc bị giam cầm… Những người vi phạm tội nặng như phạm húy, bất túc…đều phải bị nêu tên lên bảng con- tức là một tấm bảng ngang dài độ 3 thước, ngang khoảng 3 gang làm bằng phên tre, trét vôi trắng dùng để ghi tên những người can tội nặng. Sau đây là những can tội thường được nhắc đến:
KHẢO QUAN ( hội đồng thi)
Khảo quan có hai loại: Khảo sát và Giám sát
. Quan Khảo sát gồm các chức danh: Nội trường gồm: Sơ khảo, Phúc khảo , Giám khảo. Ngoại Trường: gồm có : Chủ khảo, phó Chủ khảo và Phân khảo
. Ban Giám sát: Có nhiệm vụ giám thị cả quan trường lẫn thí sinh, nếu thấy điều gì sai trái phải báo lên quan Chủ khảo nếu không chính mình sẽ bị phạt. Còn có Mật sát bí mật theo dõi, bên ngoài có Biền binh, voi ngựa tuần hành bảo vệ trường quy.
Bên cạnh ấy, còn quan Đề tuyển Nội và Ngoại trường phụ trách từ việc rọc phách, ráp phách, kê khai danh sách những người thi, người đỗ, yết bảng…
Độ vài tuần trước kỳ thi, triều đình dựa theo bản danh sách thí sinh mà định số khảo quan. Từ Phân khảo trở lên chọn các quan Kinh (làm việc tại triều) toàn những người đỗ đạt. Riêng hai ông Đề tuyển lại chọn người ít chữ để không thể sửa bài hộ, vì hai ông này là những người độc nhất biết tên người viết bài thi, khi ráp phách.
Ban Giám khảo được triều đình cử ra rồi đệ lên cho vua chuẩn. Sau đó các ông Chánh, Phó Chủ khảo làm lễ bái mạng rồi ra bộ Lễ lĩnh cờ " Khâm sai " (Chủ khảo) và biển " Phụng Chỉ " (Phó Chủ khảo). Liền đấy, hai quan Giám sát theo chân hai ông Chánh, Phó Chủ khảo về nhà, có Thị vệ canh cổng không cho tiếp xúc với ai nữa để phòng ngừa những chuyện hối lộ.
Ngay từ năm 1448, Lê Khắc Phục, làm Đề điệu ở Quốc Tử giám muốn ngăn ngừa những chuyện hối lộ, đã xin bắt các Khảo quan phải uống máu ăn thề. Lệ khảo quan phải thề bắt đầu từ đấy.
Các ông Sơ khảo, Phúc khảo kén người địa phương, nhưng người ở tỉnh này phải đổi đi chấm thi ở tỉnh khác. Nếu có con em đi thi cùng tỉnh thì phải làm giấy " hồi tị ", tức là xin cáo không đi chấm trường, nếu không sẽ bị nghiêm trừng.
Các Lại phòng (thư ký), Thể sát (khám xét) do quan địa phương cử, cũng chọn những người không đỗ đạt nhưng thanh liêm
TRƯỜNG THI
Nhìn chung, trường thi được chia ra làm 2 phần: Phần cho thí sinh và phần cho quan trường.
Phần ngoài lại chia ra làm 4 hay 8 vi, " vi " là nơi dành cho sĩ tử cắm lều. Chính giữa chỗ gặp nhau của hai con đường hình chữ thập, chia phần ngoài ra làm 4, có xây một ngôi nhà gọi là nhà Thập đạo. Đấy là chỗ quan trường họp để ra đầu bài và là chỗ thí sinh đến để liên hệ khi cần thiết.
Phần trong cũng chia làm hai khu, trong cùng là nơi làm việc của quan Sơ khảo, Phúc khảo và Giám khảo. Tiếp giáp với khu thí sinh ở là nơi làm việc của các ông Chánh, Phó Chủ khảo và Phân khảo.
Các Lại phòng, Thể sát cũng bị “giam lỏng” như các quan trường 5 ngày
CHẤM THI
Quyển (bài thi) được giao cho Đề tuyển rọc phách rồi đưa vào nội trường. Giám khảo phải khám xét dấu niêm phong trước khi mở hòm phân phát cho các ông Sơ khảo chấm trước tiên bằng son ta (màu gạch), xong đến các ông Phúc khảo chấm lại bằng mực xanh, cuối cùng đến Giám khảo duyệt lại lần nữa bằng màu hồng đơn. Những người chấm thi phải đề rõ tên họ, chức tước, điểm rồi ký tên lên mặt quyển.
Nội trường chấm xong, đưa cho Đề tuyển chuyển ra ngoại trường. Các ông Chánh, Phó Chủ khảo chấm lại những bài đỗ. Phân khảo đọc lại những bài bị đánh hỏng xem ai đáng vớt thì trình lên Chủ khảo, ngoại trường chấm bằng mực son tàu màu đỏ tươi. Chữ đẹp có thể được tăng điểm, chữ xấu quá có thể bị trừ điểm hoặc đánh hỏng.
Khi chấm xong, xếp đặt theo thứ tự điểm từ cao đến thấp rồi gởi ra cho Đề tuyển ráp phách, lập danh sách những người trúng cử, nêm yết.
Sau mỗi kì thi, Chủ khảo và cả Giám sát mỗi người phải làm một bảng phúc trình đệ về Kinh, nếu không sẽ bị phạt. Tấc cả các quyển kinh đỗ hay hỏng, kể cả ngoại hàm cũng đều phải được gởi về Kinh duyệt lại.
Xem thế, đủ thấy sự cẩn trọng và trừng phạt của luật thi ngày xưa nghiêm ngặt như thế nào. Vì những yếu tố này mà trải qua hàng bao thế kỷ thi cử chỉ có vài nghi án tiêu cực.
Khoa cử ngày xưa dùng đạo Nho để chọn những người có tài, có đức ra làm quan giúp vua trị nước. Người quân tử theo đạo Nho trị dân bằng đức hơn là quyền uy hay luật pháp vì Nho giáo dạy người sĩ tử phải tu thân trước rồi mới nghĩ đến chuyện”Tề gia trị quốc”, chứ không phải dạy học trò tìm mọi thủ đọan để thi đỗ, chóng ra làm quan để ” vinh thân phì gia”. Người học đạo không đến nơi đến chốn, thiếu đức độ, đi thi thì gian lận, ra làm quan thì đục khoét của dân hẳn không phải lỗi ở đạo mà cũng không phải tại phép thi thiếu nghiêm cẩn?.
Phạm húy: Trước ngày thi có bảng nêm yết ở cửa những chữ húy mà ai cũng phải tránh kể cả các khảo quan. “ Tuyệt bút” là cấm ngặt không được dùng, lúc đọc phải tránh âm, lúc viết phải sửa đổi hay dùng những chữ cận âm hay cận nghĩa thay thế. Ví dụ như tránh dùng các tên vua nhà Nguyễn: Miên, Hồng, Đởm… nếu gặp thì phải dùng từ khác cận nghĩa hay cận âm. Khiếm trung: Là bên chữ “vua” không được viết thêm những chữ “ hôn”, “sát”… Khiến hiểu lầm nhà vua u mê, hung dữ, hay bị giết… Cấm tì ố: Quyển thi phải giữ sạch sẽ không được có vết mực hay hoen ố, công dụng của các ống quyển mà các sĩ tử trân trọng đeo trước ngực là để che chở cho các quyển văn khỏi bị mồ hôi hay nước mưa làm hoen ố. “ Bất túc” và “ Bất cập”: Là viết không đủ quyển, không thành bài, viết chỉ vài dòng. tội này nặng vì chứng tỏ thí sinh không đủ sức đi thi mà khảo quan duyệt hạch không kỹ hoặc cố tình nâng đỡ. trường hợp này cả Khảo quan và thầy học cùng bị phạt. Ngoại hàm: Tất cả những quyển thi bị nộp trễ sau khi đã khoá hòm đựng quyển thi bị gọi là”Ngoại hàm”. Dù bài không được chấm nhưng cũng được đọc kỹ xem có bị phạm trường quy hay không. “ Ngoại hàm” là tội nặng, cũng bị nêu tên lên bảng con. |