Miền xuôi - miền núi: Chênh lệch đáng lo

Ngày 18-6, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007. Theo đó, tỉ lệ tốt nghiệp THPT bình quân cả nước là 66,7% và tỉ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT là 26,6%. Cả nước có 417.752 thí sinh (TS) trượt tốt nghiệp, trong đó có 302.199 TS hệ THPT và 115.553 TS hệ bổ túc THPT.

Tuyên Quang: 14,1%!

Tốp 10 tỉnh, TP có tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT dẫn đầu, cao nhất là TPHCM: 95,1% (năm ngoái đứng hạng 27 cả nước), kế đến là Nam Định: 90,3%, Thái Bình: 86,4%, Hà Nội: 86,3%, Tiền Giang: 84%, Hà Nam: 83,9%, Khánh Hòa: 83,8%, Long An: 83,3%, Lâm Đồng: 80,8%, Bến Tre: 79,6%. Có 21 tỉnh, TP đạt tỉ lệ tốt nghiệp từ 70% đến 79,9%. Cả nước có 11 tỉnh, TP đạt từ 50% trở xuống.

Mười địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất cả nước, tính từ cuối lên là Tuyên Quang: 14,1% (gần 11.000 TS thi trượt), Bắc Kạn: 20,3%, Sơn La: 24,4%, Yên Bái: 26,7%, Cao Bằng: 27,7%, Hà Giang: 31,8%, Hòa Bình: 33%, Bạc Liêu: 40%, Nghệ An: 44,9%, Điện Biên: 46%.

Trong một tỉnh cũng có chênh lệch

Những con số Bộ GD-ĐT công bố cho thấy có sự chênh lệch đáng lo ngại về trình độ thí sinh giữa miền xuôi với miền núi, vùng dân tộc ít người

Những con số trên cho thấy có sự chênh lệch đáng lo ngại về trình độ TS giữa các tỉnh, TP miền xuôi với vùng núi. Trong tốp 10 địa phương dẫn đầu, hầu hết là ở vùng xuôi; ngược lại 10 địa phương thấp nhất nước hầu hết ở miền núi, vùng dân tộc. TPHCM đỗ 95,1%, cao gấp 5 lần so với tỉnh miền núi Tuyên Quang, chỉ đỗ 14,1%. Theo kết quả tổng kết của Hội đồng Chấm thi Sở GD-ĐT Tuyên Quang, toàn tỉnh có hơn 11.000 TS trượt tốt nghiệp. Hệ bổ túc THPT còn buồn hơn, chỉ có 2/958 TS tốt nghiệp!

Trong một tỉnh, tỉ lệ giữa khu thị tứ và vùng nông thôn cũng cách nhau khá xa. Ngay tại tỉnh Tuyên Quang, đạt tỉ lệ cao nhất là Trường THPT Chuyên nằm ngay thị xã, đỗ 98,73%; trong khi Trường THPT Yên Hoa, huyện Nà Hang, chỉ có 1,9 % TS đỗ. Tương tự, những trường khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình có tỉ lệ tốt nghiệp rất thấp: THPT Mai Châu B: 0,59%, THPT Nguyễn Trãi: 2,4%, THPT Mường Chiềng: 6,52%, THPT Phú Cường: 6,35%, THPT Nguyễn Du: 9,6%, THPT Mường Bi: 8,87%. Trong khi đó, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của các trường tại khu vực TP Hòa Bình vẫn giữ được ở mức cao: THPT Công nghiệp có 331/346 TS đỗ; THPT Lạc Long Quân có 248/293 TS đỗ.

Đã đến lúc cần coi lại chủ trương xóa khoảng cách về giáo dục giữa miền xuôi và miền núi, vùng dân tộc ít người. Thực tế này cho thấy nhiều chương trình, mục tiêu xóa khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền với ngân sách chi rất lớn hằng năm đến nay vẫn chưa có hiệu quả.

Báo động hệ bổ túc

Một vấn đề nữa của kỳ thi này là sự chênh lệch đến khó tin giữa hệ THPT và hệ bổ túc THPT. Cả nước có đến 39 tỉnh, TP có tỉ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT dưới 20%. Năm địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT thấp nhất là Tuyên Quang: 0,22%, Sơn La: 3,2%, Hậu Giang: 3,6%, Đồng Tháp: 4,8%, Sóc Trăng: 4,9%. Đó là những con số khó tin nhưng đều là sự thật!

Tại nhiều tỉnh, TP có điều kiện về kinh tế, sự chênh lệch giữa hai hệ này vẫn khá lớn. Tại Hà Nội, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 86,3%, trong khi hệ bổ túc THPT chỉ đạt 45%. Nhiều địa phương khác cũng tương tự: Thái Bình: THPT: 86,4%, bổ túc THPT: 57%; Nam Định: 90,3% - 59%; Khánh Hòa : 83,8% - 33%; Tiền Giang: 84% - 26%, Quảng Ninh: 74,57% - 36,18%... Rõ ràng, đã đến lúc cần báo động khẩn về chất lượng của hệ bổ túc. Cần phải có giải pháp vực dậy ngành học này nếu không muốn trở thành “chuyện cười” của dư luận xã hội.

Ôn tập cho học sinh thi rớt

Từ hôm qua, 18-6, các địa phương bắt đầu tổ chức cho các TS thi rớt ôn tập để chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2, sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 20-8.

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết sở đã chỉ đạo các trường THPT có kế hoạch cho học sinh (HS) thi rớt đến trường ôn tập. HS trường nào đến đăng ký ở trường đó. Tuy nhiên, HS có thể xin chuyển qua trường khác nếu trường đang học có ít HS thi lại. Ông Minh cũng cho biết dù chủ trương ngân sách sẽ chi cho hoạt động ôn tập hè này nhưng đến nay sở chưa nhận được thông báo cụ thể nào về việc này.

Ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cho biết: Sở phối hợp với các trường THPT ở các địa phương mở lớp học bồi dưỡng, dạy khoảng 2 tháng. Ngày 18-6, các trường thông báo để các em muốn theo học đến đăng ký học.

Ông Đoàn Văn Ninh, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Tuyên Quang, cho biết để chuẩn bị cho đợt thi tốt nghiệp THPT lần 2, sở sẽ gấp rút triển khai “học kỳ III” với phương châm “học tối đa thời lượng” cho các HS thi trượt tốt nghiệp lần 1. Ngay trong dịp hè này, số HS thuộc diện “xét lại” của lớp 10 và lớp 11 sẽ được kiểm tra, đánh giá về kiến thức của từng em, cương quyết không để tình trạng HS “ngồi nhầm” lớp.