Ngành giáo dục lúng túng, bị động

Ngành GD-ĐT còn chạy theo dư luận xã hội nên các giải pháp xử lý thường mang tính phong trào, tình thế, chắp vá, thiếu đồng bộ và không đột phá

Chiều 30-10, Quốc hội  (QH) thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Dự án luật được 181 đại biểu (ĐB) góp ý tại tổ và 50 ĐB đăng ký góp ý tại hội trường cho thấy GD-ĐT  là vấn đề rất được quan tâm. Qua góp ý của nhiều ĐB cho thấy hàng loạt vấn đề bức xúc của nền giáo dục nước nhà ở lần sửa đổi luật này vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

img
Đại biểu Lê Văn Cuông khẳng định: “Trách nhiệm của chất lượng giáo dục theo kiểu “mua, bán” trước hết thuộc về Bộ GD-ĐT”


Mua trường, bán điểm chưa có lời giải


ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) làm nóng QH với khẳng định: “Ngành GD-ĐT thường lúng túng, bị động và chạy theo dư luận xã hội nên các giải pháp xử lý thường mang tính phong trào, tình thế, chắp vá, thiếu đồng bộ và không đột phá”.

Xử lý chưa nghiêm các trường ĐH không đạt yêu cầu


Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận hiện nay, những khó khăn của ngành giáo dục đòi hỏi phải sửa luật và văn bản dưới luật. Vừa qua, những trường ĐH không đạt yêu cầu, có sai phạm đã có xử lý nhưng chưa nghiêm.


Giải trình về việc tồn tại các trường ĐH kém chất lượng, Phó Thủ tướng cho rằng đó là do thực hiện chưa tốt. Việc mở ngành đào tạo, do có quy định có thể được thẩm định trên hồ sơ nên đã để lọt một số trường yếu kém. Tới đây, sẽ sửa theo hướng phải thẩm định thực tế, sẽ hạn chế tình trạng này.

Ông Cuông nêu hiện tượng liên kết, liên thông đã cho ra lò hàng loạt “tấm bằng thật nhưng kiến thức giả” và tệ “mua bằng, bán điểm” hình thành trên quan hệ thương mại hóa giáo dục, tạo điều kiện cho nhiều người không chịu học, cán bộ công chức kiếm bằng cấp để giữ ghế.

Ông Cuông nêu câu hỏi: “Trách nhiệm của chất lượng giáo dục theo kiểu “mua, bán” trước hết thuộc về Bộ GD-ĐT nhưng điều đáng tiếc là dự thảo luật chưa đáp ứng được các đòi hỏi bức thiết về giáo dục hiện nay. Những quy định trong dự thảo còn chung chung”.


Đồng quan điểm này, ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM)  đề nghị trước mắt chỉ nên sửa những vấn đề bức xúc, việc sửa đổi một cách toàn diện cần thêm thời gian, để làm sau.


Tiêu chí công nhận tạo ra tiến sĩ “giấy”


Về bức xúc của dư luận đối với nạn tiến sĩ “giấy”, tiến sĩ “chép”, ĐB Lê Văn Cuông cho rằng chất lượng tiến sĩ hiện nay có vấn đề, tiến sĩ “giấy” ra đời nhiều chủ yếu do tiêu chí công nhận tiến sĩ chưa cụ thể, phẩm chất năng lực của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá chất lượng tiến sĩ... Theo ông Cuông, dự thảo luật cần quy định bổ sung cụ thể yêu cầu này.


ĐB Nguyễn Văn Toàn (Thừa Thiên- Huế) phân tích hiện nay, đào tạo tiến sĩ chủ yếu theo hình thức không tập trung. Một số vừa đảm nhận công việc ở địa phương vừa làm nghiên cứu sinh dẫn đến chất lượng khó bảo đảm. Theo ông Toàn, luật cần bắt buộc phải có thời gian tập trung nhất định.


ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đặt vấn đề: Đến nay,  chưa thấy ai chất vấn Thủ tướng về việc thành lập Trường ĐH Phan Thiết. ĐH này thành lập theo Luật Giáo dục năm 2005, do Thủ tướng ký quyết định. Khi trường này gặp vấn đề về chất lượng, trách nhiệm của Thủ tướng như thế nào? Do vậy, theo ông Kiên, nên giao trách nhiệm thành lập trường ĐH cho Bộ GD-ĐT.


Băn khoăn về việc giao thẩm quyền quyết định lập trường ĐH cho Bộ trưởng GD-ĐT, ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) dẫn ra thực tế thi ĐH, CĐ năm 2009, có những trường hạ điểm chuẩn xuống còn 7 điểm cho 3 môn thi nên có những học sinh được tổng cộng 10 điểm nhưng có đến 5 trường ĐH gọi nhập học.

Vì thế, bà Thanh tán thành việc tách riêng quy trình thành lập trường thành hai bước: thành lập trường và cho phép hoạt động giáo dục. ĐB Trần Tiến Cảnh  (Hà Nam) e ngại nếu giao quyền quyết định thành lập trường ĐH cho Bộ trưởng GD-ĐT thì “tới đây tỉnh nào cũng có ít nhất một trường ĐH và lúc đó chất lượng đào tạo ĐH không bảo đảm theo yêu cầu”.

ĐB Cảnh dẫn chứng: “Trong việc xây dựng các sân golf, Thủ tướng quyết định có 3 sân golf, vậy mà khi giao cho các địa phương quyết định đã có tới 166 sân golf” để tỏ ý nên giao Thủ tướng tiếp tục giữ quyền ra quyết định lập trường ĐH.


Quy chuẩn chương trình sách giáo khoa


ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này nhưng cho rằng qua nghiên cứu dự thảo, mục tiêu sửa đổi luật chưa đúng và trúng những vấn đề bức xúc lâu nay về sách giáo khoa (SGK). Ông Nghĩa nhận xét: Dường như cơ quan soạn thảo chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cục bộ, không vì đại cuộc và chưa thực sự cấp thiết. Những vấn đề mà cử tri mong đợi như việc biên soạn SGK, chương trình đào tạo, chương trình giảng dạy...  chưa được quan tâm.


Ông Nghĩa kiến nghị luật cần quy chuẩn chương trình giáo dục, SGK và các cấp học bảo đảm chất lượng, giảm quá tải nội dung chương trình SGK... Bên cạnh đó, luật cần quy định giao Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT chịu trách nhiệm về việc xây dựng chương trình SGK, quy chế tổ chức xây dựng chương trình SGK, Hội đồng Thẩm định quốc gia và chế tài xử lý trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể.

Chưa sửa đổi toàn diện


Bên lề QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH Đào Trọng Thi cho hay: Vào thời điểm này mà sửa đổi một cách toàn diện, căn bản mọi vấn đề của Luật Giáo dục thì chưa phải là chín muồi. Nhưng nền giáo dục đang có nhiều vướng mắc nên cần điều chỉnh. Do vậy, cố gắng sửa đổi những vấn đề bức xúc trước mắt. Tôi đồng ý với các ý kiến những vấn đề cụ thể lựa chọn để sửa lần này và mức độ sửa ở đây chưa đáp ứng yêu cầu, chưa trúng những vấn đề bức xúc và cũng chưa giải quyết đến mức có thể giải quyết những vấn đề vướng mắc.