Nghịch lý tuyển sinh
Từ nhiều năm nay, các chuyên gia giáo dục vẫn lo lắng về thực trạng cung thấp xa so với cầu của nền giáo dục ĐH nước ta. Hàng triệu học sinh tốt nghiệp THPT chen chân vào cổng trường ĐH trong khi số lượng trường ĐH dù tăng nhanh nhưng vẫn được xem là chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người học
Tuy nhiên, những gì đang xảy ra qua mùa tuyển sinh 2010 đã cho thấy một nghịch lý hàng trăm trường ĐH, CĐ có nguy cơ không tuyển đủ sinh viên.
Trong hơn 10 năm (từ năm 1998–2009), nước ta có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn, 9 trường được nâng cấp từ khoa trực thuộc ĐH Quốc gia, ĐH vùng, 7 trường được thành lập theo phương thức sáp nhập, chia tách và 58 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoàn toàn. Nhờ đó, 35/63 tỉnh, TP có thêm trường ĐH, CĐ mới.
Tính đến tháng 9-2009, cả nước có 412 trường ĐH, CĐ ở 62 tỉnh, thành với quy mô đào tạo trên 1,7 triệu sinh viên/năm.
Số lượng trường ĐH, CĐ tăng nhanh nhưng bộ vẫn khư khư ôm hết quyền tự chủ, trong đó có những quyền lẽ ra phải thuộc về chuyên môn của các trường như việc định chỉ tiêu, điểm sàn trong tuyển sinh. Trong khi mặt bằng điểm thi năm nay thấp hơn các năm trước nhưng bộ vẫn định điểm sàn khối A, D: 13, khối B, C: 14 như mọi năm.
Lấy đâu ra đủ thí sinh đạt điểm sàn để tuyển? Nhiều trường, đặc biệt là các trường mới thành lập, trường địa phương, trường ngoài công lập chật vật tuyển sinh nhưng cuối cùng phải ngậm ngùi đào tạo thiếu hoặc đóng cửa ngành học gây bao hệ lụy như giảng viên thất nghiệp, lãng phí cơ sở vật chất, nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực cho xã hội… Trong khi đó, hàng ngàn thí sinh có điểm thi xấp xỉ điểm sàn thì cổng trường ĐH vẫn cao vời vợi!
Sự mất cân đối giữa các ngành học cũng diễn ra trầm trọng tại các trường. Có ngành học điểm chuẩn cao chót vót, trong khi có những ngành chỉ bằng điểm sàn vẫn không tuyển đủ.
Có trường “thương” thí sinh điểm cao mà vẫn không trúng tuyển vào ngành mình đã chọn nên hạ điểm để tuyển chỉ tiêu bổ sung; hàng loạt trường công lập đang chờ bộ gật đầu để tuyển ngoài ngân sách…
Đó là vì nhiều trường có khả năng đào tạo thêm nhiều chỉ tiêu những ngành học thí sinh ưa chuộng và xã hội có nhu cầu thực sự nhưng vì chỉ tiêu bị khống chế nên mới phát sinh chuyện xin – cho, gây mất công bằng trong tuyển sinh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, GS-TS Bùi Văn Ga, khi còn giữ chức vụ Giám đốc ĐH Đà Nẵng, từng lên tiếng: “Nếu các trường được thực hiện việc tự điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp với năng lực của mình và theo yêu cầu của xã hội thì chắc chắn các trường ĐH sẽ được “cởi trói” để phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập hiện nay”. Đây chắc chắn cũng là mong mỏi của nhiều trường khi một mùa tuyển sinh vất vả dần khép cửa.