Nhà vệ sinh bẩn do... thiếu tiền?!

Sau khi đọc bài viết “Khủng khiếp nhà vệ sinh trường học” trên Báo NLĐ, nhiều bạn đọc thắc mắc mỗi tháng học sinh đều đóng phí vệ sinh, không biết số tiền ấy được sử dụng như thế nào?

Vào mỗi đầu năm học, trường nào cũng thông báo các khoản tiền học sinh phải đóng, trong đó có vệ sinh phí, mỗi em từ 3.000 đồng - 5.000 đồng/tháng tùy theo trường. Vậy số tiền này đi đâu mà nhiều nhà vệ sinh vẫn dơ bẩn?

Chỉ đủ trả lương lao công

Ông Phạm Danh Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3), cho biết: “Phí vệ sinh của trường 5.000 đồng/tháng/em, trong đó bao gồm cả tiền nước uống (khoảng 4.000 đồng/em), mua chất tẩy rửa và trả lương cho lao vụ là vừa đủ, không thể có dư để xây sửa lớn”. Năm học này, trường có 2.000 em, nhưng không phải em nào cũng đóng đầy đủ, năm học trước các em vẫn còn nợ tiền này khá nhiều, còn năm học này thì chưa được mấy em đóng.

Ông Tấn cũng cho biết: “Trong hè vừa qua, trường đã sửa lại một số nhà vệ sinh, chủ yếu ở trên lầu hết 27 triệu đồng, chiếm khoảng 1/3 số tiền cơ sở vật chất của trường (mỗi năm khoảng 60 triệu đồng).

Trường THCS Phước Long (quận 9) thu phí vệ sinh 3.000 đồng/tháng/em. Với 799 học sinh, năm học này mỗi tháng trường có thể thu gần 2.400.000 đồng. Ông Đồng Công Hiển, Hiệu trưởng, giải thích: “Số tiền này dùng để trả lương lao công gần 600.000 đồng/tháng, còn lại mua xà phòng, chất tẩy rửa, dụng cụ vệ sinh, nấu nước uống cho các em, trả tiền đổ rác 300.000 đồng/tháng và vài ba tháng phải thuê người đến tẩy rửa, khử mùi hôi hết 800.000 đồng... Như vậy, số tiền các em đóng không đủ chi phí mà mỗi năm trường phải lấy từ tiền quỹ phúc lợi từ căng tin, giữ xe để bù khoảng 400.000-500.000 đồng”.

Riêng về số tiền cơ sở vật chất 16.000.000 đồng/năm (20.000 đồng/em) của trường, ông Hiển nói thêm: “Một số tiền không hề lớn, chỉ đủ mua một máy vi tính. bàn ghế của trường thì năm nào cũng phải sửa chữa, chỉ cần mua một bộ bàn ghế đã hết 800.000 đồng rồi, khó khăn vô cùng nên chỉ có thể chi cho những nhu cầu nào cần thiết nhất mà thôi!”.

Lao công quá tải

Theo cô Thái Vân Trang, Hiệu phó Trường THCS Phước Long (quận 9), lao công ở trường học không chỉ lau dọn nhà vệ sinh mỗi ngày 3-5 lần mà còn phải giữ gìn vệ sinh toàn bộ trường như: quét lớp, lau chùi các phòng học, phòng chức năng, giữ vệ sinh hành lang, sân trường... Trong khi đó, ở mỗi trường THPT đều có từ 1 đến 2 biên chế lao công, còn ở các trường THCS không hề có biên chế này. ông Hiển nói: “Từ lâu nay, trường này không có biên chế lao công nên phải tự hợp đồng một người để lo công tác dọn dẹp vệ sinh”.

Với số lượng chừng 10 đến 40 phòng học, phòng chức năng và hơn chục phòng vệ sinh ở mỗi trường, chưa kể sân trường, hành lang, cầu thang, để có thể dọn dẹp sạch sẽ và lau dọn nhà vệ sinh 5 lần mỗi ngày như quy định là quá tải đối với 1–2 lao công.

Đã vậy mức lương cho người phụ trách việc này chỉ từ 600.000 đồng - 1.200.000 đồng/tháng nên sẽ không tránh khỏi có người làm việc cho lấy lệ.

Ông Tấn thừa nhận: “Vì lao công chưa nhiệt tình nên mới có tình trạng nhà vệ sinh dơ, tôi cũng đi kiểm tra và la rầy, nhắc nhở các cô lao vụ hoài”.

Vì suốt ngày phải đối mặt với sự hôi thối do nhiều em thường xuyên đi đại tiểu tiện không dội nước nên nhiều người hay bỏ việc.

Chị Minh Thanh, lao công ở một trường THPT, bộc bạch: “Tôi đã làm việc này qua nhiều trường rồi, vất vả lắm cô ạ, nhưng vì tôi già rồi nên cũng ráng làm chứ lương có bao nhiêu đâu, nhiều lúc cũng nản lắm vì có nhiều em học sinh vô ý thức, mình mới vừa dọn rửa sạch sẽ chỉ sau một lượt các em đi là thấy hôi thối, bẩn thỉu ngay”.

Ông Tấn kết luận: “Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể đôn đốc lao công thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở học sinh mà thôi!”.

Dẫu rằng không thể cải thiện được cơ sở vật chất của nhà vệ sinh trong một sớm một chiều vì thiếu kinh phí, lao công chưa tận tâm với công việc và học sinh nghịch ngợm, phá phách, nhưng cũng không thể để các nhà vệ sinh ở trong tình trạng quá bẩn như vậy được.

Ý kiến phụ huynh

Chị Phi Hồng, phường 2, quận Bình Thạnh:

Không dám vào nhà vệ sinh

Con tôi học tại một trường THPT công lập ỏ quận Bình Thạnh. Đi học về, cháu thường than thở với tôi rằng: “Con mắc... dễ sợ luôn, nhưng con không dám đi vì nhà vệ sinh trong trường dơ quá!”. Và suốt mấy năm học, cháu chưa hề bước vô nhà vệ sinh của trường. Dù thế nào cháu cũng nín cho tới lúc về đến nhà. Tôi thắc mắc là số tiền vệ sinh, tiền cơ sở vật chất mà nhà trường thu của phụ huynh đã được sử dụng như thế nào mà để học sinh không dám vào nhà vệ sinh của trường vì dơ bẩn.

Anh Nguyễn Xuân Sơn, quận Tân Bình:

Chỉ là cách nói...

Con tôi học tại một trường THCS của quận. Khi nghe cháu bức xúc về nhà vệ sinh của trường dơ bẩn, tôi có trình bày với giáo viên chủ nhiệm để giáo viên truyền đạt với nhà trường nhưng tôi lại được nghe phản hồi là do kinh phí ít nên không đủ tiền thuê lao công dọn dẹp, học sinh lại không có ý thức... Tôi cho rằng đó chỉ là cách nói vì, theo tôi biết, không phải nhà vệ sinh của trường nào cũng dơ. Có trường cũng giữ được nhà vệ sinh sạch sẽ trong điều kiện kinh phí như vậy.

Và suy cho cùng, việc quản lý để giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ là nhiệm vụ của nhà trường. Nếu học sinh không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung thì nhà trường cần phải giáo dục các em.

Ý kiến chuyên gia

Bác sĩ Vũ Lê Chuyên, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp – Bệnh viện Bình Dân TPHCM:

Rất dễ phát bệnh

Khi nín tiểu, bàng quang căng do ứ nước, nếu ở trường trẻ đùa giỡn chẳng may vấp té thì nguy cơ vỡ bàng quang sẽ rất cao. Nín tiểu lâu ngày, các em cũng có nguy cơ bị viêm nhiễm bàng quang và sỏi thận gây ra tình trạng nhiễm trùng đường tiểu, dẫn đến tạo sẹo trên thận. Nếu không được điều trị kịp thời, về lâu dài có thể dẫn đến suy thận mãn có khi đến 20-30 năm sau mới bộc phát bệnh. Việc nín tiểu lâu ngày còn làm dãn cơ thắt khiến cơ này bị yếu đi gây ra tình trạng rỉ nước tiểu hoặc tiểu không kiểm soát.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Trưởng Khoa Ngoại- Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM:

Có thể bị táo bón

Trẻ nín đại tiện lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng bị táo bón. Thông thường tình trạng táo bón ở trẻ do phình đại tràng nhưng có trường hợp do trẻ “bỏ qua nhu cầu đại tiện”. Phân bị dồn ứ ở phần ruột phía trên, lâu ngày làm ruột phình to ra. Nếu ruột bị vỡ, phân tràn ra ngoài ổ bụng, bệnh nhi sẽ bị viêm phúc mạc và nhiễm trùng nhiều cơ quan, rất dễ tử vong. Nếu để lâu, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, ruột phình to và việc đi ngoài càng trở nên khó khăn. Nếu táo bón quá lâu, chất độc trong phân sẽ thấm vào máu gây nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tử vong.

N.P