Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng: Bỏ thi tiểu học, tiết kiệm gần nửa tỉ đồng
LTS: Giảm áp lực thi cử là vấn đề cấp bách đặt ra cho ngành GD-ĐT. Bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học? Có cần thiết phải ra đề thi chung kỳ kiểm tra học kỳ? Đó là vấn đề đang được dư luận quan tâm. Báo NLĐ mở mục “bàn tròn” về vấn đề này. Mời bạn đọc tham gia
Từ năm 1997, TP Đà Nẵng đã hoàn thành phổ cập tiểu học theo quy định của Luật Giáo dục. Đến tháng 3-2000, Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi (6-11), là đơn vị duy nhất của phía Nam đạt thành quả này. Hơn 80% học sinh (HS) lớp 1 được học 2 buổi/ngày; có trên 75% trường tiểu học được tầng hóa. Riêng những trường tiểu học vùng khó khăn, vùng lũ thì 100% tầng hóa và kiên cố hóa...
Đối với kỳ thi tốt nghiệp tiểu học thì trong những năm học qua, tỉ lệ HS tốt nghiệp tiểu học luôn đạt 99,9%. Bên cạnh đó, mỗi năm trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, việc điều động hơn 1.200 giáo viên làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi và các công việc khác liên quan đến kỳ thi... đã phải tiêu tốn ngân sách của Nhà nước hơn 450 triệu đồng, nếu kể đến năm học 2002 - 2003 thì con số đó phải hơn nữa khi mà số lượng HS tiểu học là 15.000. Điều này còn liên quan đến 15.000 phụ huynh phải tốn nhiều thời gian lo lắng cho con em mình. Còn đối với HS thì đây là cơ hội để các em có thời gian dài ôn tập, không học theo kiểu đối phó và lo lắng trong mỗi kỳ thi. Một điều quan trọng nữa là Đà Nẵng không có áp lực tuyển sinh vào lớp 6 bởi chúng tôi có đủ cơ sở vật chất để tuyển 100% HS tiểu học vào học các trường công lập trên địa bàn.
Với các kết quả của bậc học, xét các điều kiện phục vụ cho kỳ thi, ngành GD-ĐT đã có tờ trình số 747 (ngày 18-4-2003) gửi UBND TP Đà Nẵng về việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp tiểu học như một kỳ kiểm tra cuối năm học ở cơ sở trường học. Ngày 25-4-2003, Bộ GD-ĐT đã có văn bản (số 3517/TH-Bộ GD-ĐT) chấp thuận phương án đề nghị của UBND (tại công văn số 1329, ngày 12-4-2003) và Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng về việc tổ chức triển khai thí điểm kỳ thi tốt nghiệp tiểu học như một kỳ thi kiểm tra cuối năm học ở lớp 5 tại các trường tiểu học.
Để thực hiện tốt việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, sau khi có văn bản chỉ đạo của bộ, ngành GD-ĐT đã mời toàn bộ cán bộ quản lý, chuyên môn của 6 phòng GD-ĐT, để phổ biến chủ trương và chỉ đạo về công tác chuyên môn theo quy định của bộ; mời các hiệu trưởng các trường tiểu học để nắm các chủ trương về việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và giao cho nhà trường chịu trách nhiệm tổ chức tốt việc ôn tập học kỳ 2 để thông qua kiểm tra học kỳ 2 lấy kết quả xét tốt nghiệp cuối năm; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, giáo viên, phụ huynh tạo sự đồng thuận và nhất trí cao về chủ trương trên.
Nhưng điều chúng tôi hết sức quan tâm và mong muốn là làm như thế nào để bắt đầu từ năm học này thông qua việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp tiểu học chất lượng dạy và học của bậc học tiểu học nói chung, lớp 5 nói riêng phải được tăng cường và đạt hiệu quả đáng kể.