Sách giáo khoa Địa lý lớp 9 thí điểm: Sai không buồn sửa !
Từ hè 2003, công tác bồi dưỡng giáo viên cho việc thay sách môn Địa lý lớp 9 thí điểm đã được tiến hành. Những sai sót về kiến thức cũng đã được nhiều giáo viên góp ý để chỉnh sửa. Nhưng hiện nay, lớp 9 thí điểm đã học đến học kỳ 2 của năm thứ 2, những cái sai cũ vẫn được đem ra dạy vì chẳng có hướng dẫn điều chỉnh nào cả.
Trường Sa xích lại đất liền
Sách giáo khoa (SGK) Địa lý lớp 9 có nhiều lược đồ vẽ sai vị trí quần đảo Trường Sa; như các trang 5, 13, 34, 40, 49, 51, 59 đã vẽ nhầm các đảo San Hô, Đá Lát, Đá Tây, Đá Đông... nằm khoảng 111o5 - 113oĐ vào các bãi Tư Chinh, Phúc Tân, Huyền Trần nằm khoảng 109o - 105oĐ. Do vị trí của quần đảo sai nên đường biển lẽ ra đi từ TP Hồ Chí Minh đến quần đảo Trường Sa đã vượt qua phía bắc của quần đảo Trường Sa và không rõ đi về đâu trong đại dương mênh mông!
Các khái niệm cũng bị nhầm lẫn. Khái niệm giữa gia tăng dân số lẫn lộn với gia tăng tự nhiên (trang 9) nên học sinh không thể trả lời được câu hỏi: "Dựa vào bảng 2.1, hãy xác định các vùng lãnh thổ có tỷ lệ gia tăng dân số cao hơn trung bình cả nước. Giải thích vì sao?", vì bảng 2.1 chỉ có tỷ lệ gia tăng tự nhiên mà không có gia tăng cơ giới, trong khi muốn xác định phải thực hiện phép tính: tỷ lệ gia tăng dân số = tỷ lệ gia tăng tự nhiên ± tỷ lệ gia tăng cơ giới.
Khái niệm "khai thác" cũng bị lẫn lộn với "sản xuất" và "chế biến": đề mục thì nêu "Công nghiệp khai thác nhiên liệu", nội dung lại đề cập đến "sản xuất khí hóa lỏng, phân đạm tổng hợp" (trang 48). Hay tên lược đồ thì là công nghiệp khai thác nhiên liệu và công nghiệp điện nhưng nội dung lại chỉ biểu hiện ký hiệu các mỏ than, dầu, khí đốt (trang 45). Khái niệm “ngành khái quát” cũng bị lẫn với “ngành bộ phận”, nhiều bài đã diễn giải đúng và rõ khái niệm dịch vụ là tổng hợp của các ngành giao thông, thương mại, bưu chính viễn thông, du lịch nhưng trên hình vẽ trang 62 lại xếp dịch vụ ngang hàng với các ngành bộ phận tại biểu đồ số doanh nghiệp thương mại, khách sạn, nhà hàng, du lịch và dịch vụ.
Còn những phần khác cũng cần điều chỉnh để tránh chuyện học sinh được học một đằng, hành một nẻo như chỉ được học khái niệm rừng sản xuất (trang 38) trong khi mô hình trang 98 lại đưa ra một khái niệm xa lạ chưa từng đề cập là trồng rừng kinh tế, bảo vệ rừng đầu nguồn. Khi dẫn chứng về dân tộc Mông, trang 70 còn dễ làm học sinh hiểu nhầm là có tới 2 dân tộc Mông sống ở 2 tiểu vùng khác nhau: "Thành phần dân tộc tương đối đa dạng. Người Thái, Mường, H’Mông... ở Tây Bắc; Người Tày, Nùng, Dao, Mông... ở Đông Bắc".
Địa danh lạc hậu và câu hỏi trật dữ kiện
Từ tháng 3/2003, SGK Địa lý lớp 8 in thử để triển khai đại trà đã cập nhật đầy đủ các tỉnh, thành mới là Điện Biên, Đắk Nông, Hậu Giang, TP Cần Thơ. Còn SGK Địa lý lớp 9 tháng 8/2003 mới in thì lại bỏ qua.
Sự lệch pha còn thể hiện ở việc minh họa. Chẳng hạn, trang 24 viết: "Chuyển dịch cơ cấu ngành, với sự giảm tỷ trọng của nông, lâm, ngư nghiệp, tăng tỷ trọng của công nghiệp - xây dựng và của khu vực dịch vụ, cả trong cơ cấu GDP, cả trong cơ cấu sử dụng lao động" nhưng biểu đồ sự chuyển dịch cơ cấu GDP từ năm 1991 - 2000 ở khu vực dịch vụ chỉ tăng trong giai đoạn 1991 - 1995, còn từ 1995 - 2000 lại liên tục giảm.
Chú giải của lược đồ lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam trang 40 có ước hiệu rừng ngập mặn nhưng trên bản đồ lại không thấy rừng ngập mặn. Trang 41 viết: “Nước ta có 4 ngư trường trọng điểm: Cà Mau - Kiên Giang... và ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa" nhưng trên lược đồ lâm nghiệp và thủy sản lại thiếu cả 2 quần đảo này là điều khó có thể chấp nhận được.