Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ cùng chấm phúc khảo môn văn

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đã khẳng định như vậy với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 22-6


- Phóng viên: Đến thời điểm này đã có thông tin gì từ các tổ công tác về kết quả làm việc với các tỉnh có yêu cầu chấm lại môn văn hay chưa, thưa ông?


img

- Ông Trần Văn Nghĩa: Tổ công tác đã làm việc với các tỉnh có khiếu nại về môn văn, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin phản hồi nào. Chúng tôi cũng không đặt ra thời hạn cụ thể để kết thúc việc chấm thẩm định. Quan điểm của bộ là cần phải làm kỹ, khi nào xong việc sẽ công bố nhưng cũng phải hết sức khẩn trương. Còn về kết quả thi, nếu chưa hài lòng, các thí sinh có quyền yêu cầu phúc khảo với điều kiện có điểm thi thấp hơn điểm tổng kết trung bình môn văn cả năm học là 2 điểm.


- Với số thí sinh xin phúc khảo có thể sẽ tăng bất thường, ông có cho rằng sẽ bảo đảm chất lượng khi chỉ có 5 ngày kể từ khi nộp đơn xin phúc khảo đến lúc thông báo kết quả?


- Thực tế những năm trước có tỉnh hoàn thành việc chấm phúc khảo chỉ trong vòng một ngày. Còn năm nay, nếu thí sinh yêu cầu phúc khảo nhiều, các tỉnh phải tăng thêm giám khảo chấm thi. Tỉnh nào khó khăn, bộ sẽ điều động thêm để hỗ trợ. Theo quy định, từ ngày 25 đến 29–6, các tỉnh phải chấm xong phúc khảo và chuyển kết quả cho tỉnh khác.

img
Nhiều thí sinh ở một điểm thi tốt nghiệp THPT tại Kiên Giang đã tỏ ra rất buồn sau khi đến xem kết quả thi. Ảnh: M.TÂY


- Không ít thí sinh lo lắng nếu chấm phúc khảo vẫn là các tỉnh đã chấm ban đầu thì kết quả cũng khó thay đổi?


- Để bảo đảm công bằng cũng như để thí sinh yên tâm, việc chấm phúc khảo của các địa phương sẽ có sự tham gia của thanh tra Bộ GD-ĐT và các giám khảo có kinh nghiệm do Bộ GD-ĐT điều động.


- Liệu việc chấm thẩm định có giá trị không, khi kết quả của thí sinh các tỉnh này chỉ phụ thuộc vào chấm phúc khảo, thưa ông?


- Nhiệm vụ của tổ công tác được thành lập theo yêu cầu của một số tỉnh có kết quả thi môn văn thấp. Tất nhiên, nếu phát hiện có chấm sai, không tuân thủ hướng dẫn chấm của bộ, người chấm sẽ bị xử lý kỷ luật theo đúng quy chế và Luật Công chức. Còn hiện tại, để thí sinh không bị thiệt, thí sinh cần yêu cầu chấm phúc khảo.


- Bộ có nhận định gì về việc phản ánh điểm thi văn thấp không, thưa ông?


- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này, như đề thi, coi thi, chấm thi, đặc biệt là chất lượng thực tế của học sinh. Về khâu coi thi, tôi thấy được thực hiện khá nghiêm túc, báo cáo của thanh tra ủy quyền các tỉnh đều không có vấn đề gì nghiêm trọng. Về đề thi, có thể có người băn khoăn là việc đổi mới có ảnh hưởng đến kết quả thi. Tuy nhiên, có thể khẳng định là không có vấn đề gì.


Về việc coi thi, có thể năm nay coi thi chặt chẽ hơn thì điểm khác đi. Chấm chéo cũng gây tâm lý căng thẳng hơn. Tâm lý chung là khi chấm bài không phải của tỉnh mình thì bao giờ cũng chấm chặt chẽ  hơn. Còn hiện nay, nếu chấm chéo, giáo viên cứ theo đáp án của bộ mà chấm. Để cho việc chấm an toàn, người ta cố gắng làm sao gò vào barem chấm tới từng 0,25 điểm. Nhưng đối với môn văn thì lại khó, bởi nếu không có sự linh hoạt thì sẽ giết chết sự sáng tạo của học sinh. Do vậy, ngay cả thi đại học, có thí sinh thi trường này được chấm nới tay một chút, thi trường khác lại  bị chấm chặt chẽ hơn.


Hạn chế của việc thi tự luận là ở chỗ bao giờ điểm số cũng có dung sai. Còn thi trắc nghiệm thì có thể khẳng định chuẩn xác 100%. Thế nên trong quy chế ghi rất rõ, nếu như hai giám thị chấm mà điểm số chênh lệch dưới 1 điểm thì hai người ngồi chốt lại mức điểm, còn nếu chênh lệch lớn hơn 1 điểm, phải báo với tổ trưởng để quyết định. Còn chênh lệch lớn hơn 2 điểm thì chấm lại.