Thí sinh dự thi sẽ cao

Các trường thuộc khối an ninh, quốc phòng có số lượng thí sinh làm thủ tục dự thi cao nhất, trên 80%

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, ngày 8-7, có 549.455 thí sinh (TS) đã đến làm thủ tục dự thi tại 98 trường ĐH, học viện trên cả nước; đạt tỉ lệ 73,18% so với số lượng đăng ký dự thi. Các trường thuộc khối an ninh, quốc phòng có số lượng TS làm thủ tục dự thi cao nhất, trên 80%.

 
Đánh giá của ban chỉ đạo tuyển sinh cho thấy tỉ lệ dự thi tăng 1,55% so với năm ngoái. Theo Ban Chỉ đạo thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sáng 8-7 có 9.086 TS đến làm thủ tục, đạt tỉ lệ 74,2%, tăng khoảng 8% so với năm 2009.
 
Tỉ lệ TS đăng ký thi ở Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng hơn 77%, cao hơn năm ngoái 14%.
 
Ít sai sót
 

Mời bạn đọc đón xem gợi ý giải đề thi khối B, C, D trên số báo phát hành ngày 10, 11-7 và trên Người Lao Động Online.

Ở TPHCM, tỉ lệ TS làm thủ tục dự thi so với lượng hồ sơ đăng ký tại các trường giảm hơn đợt 1, thậm chí chỉ 67% như ở Trường ĐH Luật TPHCM, nhưng các trường cũng dự đoán TS đến thi chính thức sẽ cao hơn ngày làm thủ tục từ 5%-10%.
 
TS đến làm thủ tục đăng ký thấp được nhiều trường lý giải là vì nhiều TS khi thi đợt 1 đã biết rõ địa điểm thi, một số thi đợt 1 xong đã tự tin với bài làm của mình nên không thi thêm đợt 2.
 
Các trường hợp mất giấy báo thi, hồ sơ sai sót đã được các trường giải quyết nhanh.
 
Khắc phục tình trạng một số phòng thi đợt 1 có số lượng TS vượt quy định, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM) cho biết các phòng thi là giảng đường lớn đã được dựng vách ngăn để bảo đảm số lượng 40 TS/phòng; Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng chỉ sắp xếp số lượng 30 TS/phòng.
 
Xoa đầu rùa cầu may sẽ bị xử lý
 
Trước tình trạng hàng ngàn TS xoa đầu rùa tại Văn Miếu cầu may, ngay trước khi diễn ra kỳ thi đợt 2, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã đề nghị Thanh tra bộ tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các hành vi cố tình sờ đầu rùa tại đây.
 
Ông Hoàng Tuấn Anh cho rằng việc sờ đầu rùa, xoa bia đá và rải tiền lẻ lên lưng rùa để cầu may, cầu đỗ đạt là hành vi hết sức thiếu văn hóa và xâm hại di sản, cần phải được chấm dứt.
 
 
img
Thí sinh xem quy định môn thi năng khiếu tại Trường ĐH Sài Gòn, sáng 8-7. Ảnh: TẤN THẠNH


Rút kinh nghiệm đợt 1 có nhiều TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi, lần này trước nhiều phòng thi đều đã dán bảng lưu ý.
 
Trường ĐH Y Dược TPHCM đã tập huấn cho cán bộ coi thi không chỉ nhắc nhở mà trước giờ thi phải tiếp tục nhắc nhở và kiểm tra, đồng thời yêu cầu TS kiểm tra hộc bàn xem có tài liệu để trước hay không, nếu có phải nộp lại cho giám thị trước giờ thi để tránh bị đình chỉ oan.
 
Tạo điều kiện cho thí sinh khiếm thị
 
Đợt thi này, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhăn văn TPHCM có 6 thí sinh khiếm thị dự thi khối C nhưng chỉ có 4 thí sinh đến làm thủ tục. ĐH Đà Nẵng lần đầu tiên tiếp nhận 2 TS khiếm thị; 2 giáo viên của Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu đã được phép đến địa điểm thi để giúp 2 TS này chuyển ngữ từ chữ nổi Braille; cả TS và giáo viên sẽ được bố trí ngồi dự thi riêng tại phòng hội đồng. ĐH Huế cũng tiếp nhận 9 TS khiếm thị.
Nữ sinh tự tử không đăng ký dự thi
 
Bộ GD-ĐT cho biết đã yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng làm rõ thông tin học sinh Nguyễn Thị Học (lớp 12A3, Trường THPT Tân Hà - Lâm Đồng) tự tử do không nhận được giấy báo dự thi vào ĐH Đà Lạt.
 
Theo báo cáo của Trường THPT Tân Hà, Nguyễn Thị Học có dự các buổi hướng dẫn nộp hồ sơ nhưng không làm hồ sơ đăng ký dự thi.
 
PGS-TS Lê Bá Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, cho biết qua kiểm tra dữ liệu tuyển sinh thì không có tên Nguyễn Thị Học thuộc Trường THPT Tân Hà, Lâm Hà - Lâm Đồng. Như vậy, học sinh này chưa phải là TS của hội đồng tuyển sinh nhà trường năm 2010.
 
“Nguyễn Thị Học nếu có đến trường hỏi thông tin liên quan đến giấy báo thi như các trường hợp khác, không có phiếu số 2 để chứng minh thì trường cũng hướng dẫn cho các em về hỏi nơi nộp hồ sơ.
 
Các trường hợp thất lạc, sai sót nhưng học sinh có mang phiếu số 2 và các giấy tờ cần thiết thì hội đồng thi đều giải quyết thủ tục thi theo đúng quy chế” - PGS-TS Lê Bá Dũng cho biết.
 
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, việc không có giấy báo dự thi của em Học là lỗi hoàn toàn của em và gia đình, do không làm hồ sơ đăng ký. Sở đã chỉ đạo Trường THPT Tân Hà phối hợp với gia đình và các ngành chức năng để làm rõ nguyên nhân việc tự tử của Nguyễn Thị Học.

Th.An