Vì sao hơn 2 năm, Trường Tân Phú vẫn còn trên giấy?
Trường Tiểu học (TH) Tân Phú (phường Tân Phú, quận 9) bị giải tỏa để xây dựng vòng xoay đường xuyên Á. Điều đáng nói là từ hơn 2 năm nay, một đề án xây dựng Trường TH Tân Phú mới đã được UBND quận 9 thông qua, nhưng đến nay dự án này vẫn còn trên giấy
Ngày 9-8, tức chưa đầy một tháng là đến ngày khai giảng năm học mới, UBND quận 9 đã ký quyết định giải tỏa Trường TH Tân Phú (phường Tân Phú, quận 9-TPHCM) để lấy mặt bằng phục vụ việc xây dựng vòng xoay xuyên Á.
Ngày khai giảng chẳng giống ai
Theo bố trí của Phòng GD-ĐT quận 9, đầu năm học 2004-2005 hơn 650 học sinh của trường phải học tạm tại 3 cơ sở: 3 lớp 1 về học tại Phân hiệu Mầm non Tân Phú; 13 lớp thuộc các khối 2, 3, 4 học tại Phân hiệu cấp 1 Tân Phú (còn gọi là Phân hiệu Cây Dầu); 3 lớp 5 về học tại Trường THCS Tân Phú.
Có lẽ quang cảnh ngày khai giảng năm học mới 2004-2005 của Trường TH Tân Phú thật chẳng giống bất kỳ một trường nào. Bà Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết do không có trường để tập trung nên học sinh học tạm ở đâu thì tổ chức khai giảng ở đó. Trong ba cơ sở đó, chỉ có cơ sở Trường THCS Tân Phú là mới xây dựng, còn tốt, 2 cơ sở còn lại thì đã xuống cấp.
Trơ trọi 8 phòng học cùng cỏ dại
Chiều 6-9, chúng tôi tìm đến Phân hiệu cấp 1 Tân Phú. Đập vào mắt chúng tôi là 2 dãy phòng học cũ kỹ với mái tôn rỉ đỏ, không có tường rào và bị bao trùm bởi một “rừng” cỏ dại. Tất nhiên, tại cơ sở này phương tiện dạy học gần như không có gì: không thư viện, không phòng thí nghiệm..., phân hiệu này chỉ có trơ trọi 8 phòng học, lúc nào cũng tối tăm và ngột ngạt. Chúng tôi lấy làm ái ngại vì với trường lớp như vậy liệu các giáo viên có thể triển khai phương pháp giảng dạy mới theo yêu cầu đổi mới của nội dung chương trình - sách giáo khoa từ năm học này hay không?
Chị Dung, một phụ huynh học sinh, cho biết: “20 năm trước, năm 1983, tôi cũng học ở trường này. Nay trở lại đưa con đi học vẫn thấy trường không đổi khác, nếu có khác là trường ngày càng tệ hơn”. Những người dân địa phương cho biết, cơ sở này đã có từ trước giải phóng. Do đã xây dựng từ lâu và không được sửa chữa thường xuyên nên trường đã bị xuống cấp trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND quận 9, thừa nhận: “Trường chỉ có tác dụng che nắng. Vào những ngày trời mưa nước dột ướt sũng”. Hiện 8 phòng học của cơ sở này phải chứa đến trên 450 học sinh.
Cả thầy trò và phụ huynh đều khổ
Trường TH Tân Phú phải phân tán đến 3 địa điểm đã gây không ít khó khăn cho nhà trường trong việc quản lý cũng như nâng cao chất lượng giáo dục. Bà Nguyễn Thị Tâm nói: “Trong hoàn cảnh như vậy, thầy trò chúng tôi chỉ biết dạy chay và học chay”. Với phụ huynh, lại gặp một khó khăn khác: khi đưa đón con em, họ phải lưu thông ngược chiều trên xa lộ Hà Nội rất nguy hiểm.
Anh Phương, nhà ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, nói: “Trước kia học ở trường cũ cháu được học 2 buổi/ngày, việc đưa đón cũng thuận tiện và còn được nghỉ trưa. Nay cháu phải đi học chỗ khác, thời gian nghỉ trưa của cha con tôi coi như không có. Hơn nữa, khi đón cháu về phải đi ngược chiều trên đường Hà Nội rất sợ tai nạn xảy ra”. Tâm sự của anh Phương cũng là tâm sự của rất nhiều phụ huynh khác cùng chung hoàn cảnh.
Có đất sao không xây trường?
Nguyên nhân nào Trường TH Tân Phú bị giải tỏa vào ngay đầu năm học mới? Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết vị trí của trường nằm trong khu quy hoạch để xây dựng vòng xoay đường xuyên Á. Điều đáng nói là từ hơn 2 năm nay một đề án xây dựng Trường TH Tân Phú mới đã được UBND quận 9 thông qua, và nếu theo đúng tiến độ thì quãng thời gian 2 năm qua là quá đủ để có một ngôi trường mới đặt tại Phân hiệu Cây Dầu. Nhưng đến nay dự án trên vẫn còn trên giấy.
Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi đến Phòng GD-ĐT quận 9. Bà Lê Thị Minh Loan, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT quận 9, cho biết: “Khoảng tháng 6-2004, UBND quận 9 có mời lãnh đạo Phòng GD-ĐT lên thông báo việc Trường TH Tân Phú bị giải tỏa và bàn việc giải quyết chỗ học tạm cho học sinh của trường trong năm học 2004-2005. Bà Loan cũng giải thích do mới chuyển về phòng nên không biết rõ hướng giải quyết của lãnh đạo quận trước kia. Bà Loan giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9 phụ trách xây dựng, nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án quận 9. Ông Thành chỉ cho biết khi ông còn làm Trưởng Ban Quản lý dự án, lý do chậm trễ xây dựng trường là do khâu thủ tục còn rườm rà. “Thế thì thưa ông chừng nào Trường TH Tân Phú được khởi công?”, chúng tôi đặt câu hỏi. Ông Thành phân bua là ông chỉ phụ trách phần xây dựng đô thị nên không thể trả lời khi nào trường được khởi công.
Vậy là câu hỏi chưa có lời đáp. Có nghĩa là thầy và trò Trường TH Tân Phú còn tiếp tục đương đầu với những thiếu thốn khó khăn và không biết bao giờ mới chấm dứt.