Vì sao khó tuyển sinh?
30-11 là ngày kết thúc mùa tuyển sinh năm 2012. Trong khi tại nhiều trường ĐH-CĐ công lập, sinh viên đã học được gần 3 tháng thì sinh viên các trường ngoài công lập mới nhập học.
Vì sao các trường ĐH, CĐ tuyển sinh khó khăn đến vậy, nhất là ngoài công lập, trong khi chỉ tiêu dành cho các trường đều tăng? Các trường ĐH ngoài công lập cho rằng nguyện vọng “vô hạn”, thời gian tuyển sinh quá dài đã tạo nên số lượng lớn thí sinh ảo. Đặc biệt, nhiều ngành của các trường ĐH công lập tuyển sinh bằng điểm sàn, làm các trường ngoài công lập thêm khó khăn.

Phụ huynh, thí sinh xem điểm thi ĐH năm 2012 tại Trường ĐH Đà Lạt
Một vấn đề khác là chất lượng, quá nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập yếu kém, vì vậy,“chuột chạy cùng sào” thí sinh mới vào đây. Quá ít ngành học của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có thể sánh bằng hoặc hơn các trường công lập. Đây là vấn đề quan trọng trong cạnh tranh của các trường ĐH vì lợi nhuận. Đã đến lúc các trường cạnh tranh với nhau bằng uy tín đào tạo chứ không phải đào tạo ra những cử nhân “không nghề”.
Xu hướng ĐH vì lợi nhuận đang chiếm ưu thế, nhất là ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, doanh thu của các ĐH,CĐ tư thục trên toàn thế giới mỗi năm khoảng 400 tỉ USD nhưng cần nhớ rằng họ bán chất lượng đào tạo chứ không phải bằng cấp.
Việt Nam hiện có 414 trường ĐH, CĐ và trong thời gian ngắn tới đây, số lượng này sẽ là 500 hoặc hơn nữa. Số lượng đó chắc chắn không tỉ lệ thuận với chất lượng. Nếu không nâng cao chất lượng, trong tương lai rất gần, các trường ngoài công lập không những không tuyển sinh được mà dự báo sẽ có một số trường lâm vào khủng hoảng, thậm chí đóng cửa.