Việc dạy sử ở trường chưa được chú trọng

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Bé - TPHCM, nhiều học sinh không biết gì về người anh hùng mà trường vinh dự mang tên. Giáo viên dạy sử thiếu phương tiện giảng dạy nên không tạo được hứng thú cho học sinh

Diễn đàn “Dân ta phải biết sử ta” trên Báo NLĐ đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của bạn đọc gần xa. Theo yêu cầu bạn đọc, phóng viên Báo NLĐ đến các trường phổ thông tìm hiểu và phản ánh về thực trạng giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng và việc dạy sử, học sử. Trước hết, mời bạn đọc ghé thăm Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1 - TPHCM) và Trường THCS Nguyễn Văn Bé (P.11, Q. Bình Thạnh - TPHCM).

Chúng em quên mất rồi!

Ngày 23-10, chúng tôi tới Trường THCS Nguyễn Văn Bé. Khi bước vào phòng truyền thống của trường, chúng tôi mới hiểu vì sao nhiều học sinh (khối 7, 8, 9) khi được hỏi về người Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bé mà trường vinh dự mang tên, các em đều trả lời đại loại: “Có học mà quên mất rồi!”.

Phòng truyền thống của trường rộng chừng 25 m2, bên góc phải để trống, đèn sân khấu và hộp phấn viết bảng. Bên góc trái là tủ đựng mấy cuốn sách về truyền thống... Trên tường có treo ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Bé, phía dưới là một tấm bảng giới thiệu về tiểu sử của ông.

Trao đổi với cô Trần Thị Hiền, hiệu trưởng nhà trường, về phòng truyền thống sao quá sơ sài, cô cho biết: Nhà trường không có kinh phí để xây dựng phòng truyền thống đàng hoàng, tử tế. Mặt khác, từ khi cô giữ chức hiệu trưởng mới đi sưu tầm, đến năm 2000 có được tiểu sử và hình ảnh của Anh hùng Nguyễn Văn Bé... Trước đó, khi ai hỏi về vị anh hùng này, cả thầy lẫn trò đều... lắc đầu.

Nói về việc dạy sử trong nhà trường, thầy Trần Hoài Huân, 10 năm giảng dạy bộ môn sử, cho biết: “Mười năm trước và hiện nay tình hình dạy sử trong nhà trường vẫn không có gì thay đổi”. Thầy Huân nói môn sử khó gây hứng thú cho học sinh vì thiếu thốn đủ thứ, từ phương tiện dạy học đến những thước phim tư liệu về lịch sử nước nhà. “Học sinh của chúng ta nhớ lịch sử Trung Quốc vì người ta có nhiều phim về đề tài lịch sử hay và thuyết phục. Còn chúng ta quá nghèo nàn” - thầy Huân nói. Cũng theo thầy Huân, điều làm nản lòng người dạy sử là bài học lịch sử quá nhiều nhưng thời gian để dạy lại quá ít. Thầy Huân đề nghị: “Để dân ta phải biết sử ta thì nên phân bố lại chương trình dạy giữa sử Việt Nam và thế giới. Thật nghịch lý khi lớp 8, học kỳ 1 mỗi tuần học 2 tiết sử thế giới, còn học kỳ 2 học lịch sử Việt Nam thì mỗi tuần chỉ có 1 tiết”.

Học sinh bị bắt buộc mới chịu học

Cùng ngày, chúng tôi đến Trường THCS Trần Văn Ơn. Trong 4 em học sinh được hỏi ngẫu nhiên thì cả 4 đều biết về liệt sĩ Trần Văn Ơn. Phòng truyền thống của trường có lưu giữ nhiều tài liệu khá phong phú. Ngoài những bài báo viết về liệt sĩ Trần Văn Ơn trước năm 1975 được cắt dán, cho vào khung còn có hình ảnh, tượng đài Trần Văn Ơn và tiểu sử của ông. Tại sân trường, bên cạnh cột cờ là tượng đài Trần Văn Ơn. Nhưng như thế chưa đủ, nhiều học sinh cho biết, các em có những hiểu biết về liệt sĩ Trần Văn Ơn nhờ vào những buổi đi viếng mộ liệt sĩ này hay lễ tưởng nhớ ngày liệt sĩ Trần Văn ơn hy sinh 9-1.

img
Một góc phòng truyền thống Trường THCS Nguyễn Văn Bé dùng để chứa nhạc cụ

Thầy Trần Mậu Minh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mỗi tháng có 4 tiết hoạt động chính khóa về truyền thống theo chủ điểm của tháng. Để học sinh yêu thích môn sử phải có những hoạt động phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. Theo tôi, học sinh nhớ lâu là nhờ những hoạt động thực tiễn chứ không phải những lời thầy cô bắt học sinh phải nhớ”.

Cô Nguyễn Xuân Hương, chủ nhiệm bộ môn sử Trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết: “Học sinh thích học môn sử rất hiếm. Một con số rất cụ thể đó là đội tuyển học sinh giỏi sử bao giờ cũng chiếm khoảng 1/5 so với những môn học như văn, Anh văn, toán, lý, hóa. Học sinh chỉ học môn này khi giáo viên bắt buộc”. Cô Xuân Hương cũng trăn trở về việc phân bổ tiết học môn sử quá ít mà chương trình lại quá nhiều nên thường không gây được hứng thú cho học sinh.