Xây dựng mô hình dịch vụ công tác xã hội trong trường học

Công tác xã hội trong trường học sẽ phát triển theo quy trình 4 bước: phát hiện, phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ phát triển.

Trong buổi tham vấn quốc gia về thúc đẩy công tác xã hội trong ASEAN vừa diễn ra tại TP HCM, ông Bùi Tiến Dũng, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết hiện nay, ở các trường phổ thông, việc thành lập một phòng công tác xã hội là không thể, mà công tác xã hội là điều cần thiết để giải quyết những vấn đề ngoài chuyên môn giảng dạy.

Vì vậy, trong năm 2020 Bộ GD-ĐT sẽ tạo ra mô hình dịch vụ công tác xã hội trong trường học, tiếp cận theo hướng mới, đổi mới sáng tạo. Xây dựng mô hình doanh nghiệp dịch vụ công tác xã hội trong trường học như là doanh nghiệp xã hội. Đáp ứng được hầu hết các yêu cầu, bao gồm: chính sách hỗ trợ người nghèo trong trường học, các dịch vụ tham vấn, tư vấn, phát triển kỹ năng.

Xây dựng mô hình dịch vụ công tác xã hội trong trường học - Ảnh 1.

TS Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (giữa), điều hành buổi làm việc

Dịch vụ công tác xã hội trong trường học sẽ hướng đến 4 nhóm đối tượng. Trong đó, sẽ giải quyết những vấn đề nhu cầu của đối tượng học sinh từ lúc bước chân vào trường đến lúc ra trường để phát huy được năng lực tốt nhất của từng học sinh. Trong việc xử lý học sinh, giáo viên gặp rất nhiều áp lực nên giáo viên cũng là đối tượng cần hướng đến. Đối tượng cán bộ quản lý, là những người kết nối cuối cùng trong quy trình xử lý của công tác xã hội trường học, nếu cán bộ quản lý không nắm chắc được kiến thức quy trình về công tác xã hội trường học sẽ dẫn đến việc xử lý các việc trong trường học kém, không hiệu quả, có sai sót. Đối tượng cuối cùng là phụ huynh học sinh.

Công tác xã hội trong trường học sẽ phát triển theo quy trình 4 bước: phát hiện, phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ phát triển.

"Trong trường học, học sinh đang đối mặt với rất nhiều vấn đề. Công tác xã hội sẽ giải quyết tất cả vấn đề của học sinh nhưng theo quy trình chuyên nghiệp và bài bản của công tác xã hội. Kết hợp bằng nhiều phương thức khác nhau như tư vấn, tham vấn để xử lý hiệu quả vấn đề" - ông Dũng nhấn mạnh.

Buổi họp tham vấn quốc gia về thúc đẩy công tác xã hội trong ASEAN được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, nhằm xây dựng Dự thảo Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy công tác xã hội có sự tham gia của các chuyên gia. Tuyên bố trên sẽ được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11, Việt Nam tham dự với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020.