Giữ lửa hạnh phúc trong gia đình nhiều thế hệ

Sống chung 3 thế hệ là truyền thống quý giá nhưng cũng là thử thách không nhỏ trong đời sống hiện đại

Gia đình nhỏ của anh Lê Văn Tâm (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) sống chung với cha mẹ anh trong căn nhà chỉ vọn vẹn 70 m². Dù yêu quý cha mẹ nhưng vợ chồng anh từng nhiều lần muốn ra riêng vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhưng dai dẳng.

Thu hẹp khoảng cách

Cha mẹ anh Tâm quen nền nếp cũ, thích sự yên tĩnh, ăn uống đúng giờ, trong khi vợ chồng anh luôn tất bật với công việc... Ông bà thường dậy sớm, còn con cháu lại quen thức khuya học online, xem phim... Người muốn nghỉ ngơi, người khác lại ồn ào, không ai cảm thấy thoải mái. "Những khác biệt ấy không chỉ về lối sống mà còn là sự va chạm của 2 thế hệ, 2 nền tảng tư duy" - anh Tâm nhận định.

Là con trai duy nhất, cha mẹ lại lớn tuổi, nên vợ chồng anh Tâm phải sống cùng để tiện chăm sóc. Vì vậy, thay vì tránh né, anh chọn cách đối thoại: "Tôi khuyến khích vợ ngồi nói chuyện với cha mẹ, còn tôi thì nhẹ nhàng giải thích với các con về lễ nghĩa, nền nếp xưa… Cứ như vậy, dần dần mọi người hiểu nhau hơn" - anh Tâm kể.

Bà Trần Thị Mai (65 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) chia sẻ câu chuyện tương tự: "Tôi chỉ mong con dâu dạy cháu gọn gàng, kỷ luật, sống tiết kiệm, vì tiền làm ra không dễ. Thế nhưng mỗi lần góp ý thì nó im lặng hoặc cho là tôi can thiệp quá sâu vào việc dạy cháu".

Những khác biệt về quan điểm sống, cách giáo dục giữa 3 thế hệ khiến không khí gia đình bà Mai nhiều lúc nặng nề. 

Tâm sự với hội bạn tập dưỡng sinh, họ khuyên bà cứ "mặc kệ, con ai người đó dạy". Tôi thay đổi "chiến thuật", không góp ý gay gắt mà chuyển sang trò chuyện, tâm sự nhẹ nhàng, nhìn mọi việc một cách độ lượng hơn. 

"Bây giờ, con dâu và cháu đã bắt đầu kể cho tôi nghe những điều mình thích, xin thêm lời khuyên… Những bữa cơm cuối tuần luôn đầy đủ tất cả thành viên, mọi người trò chuyện nhiều hơn. Từ những câu chuyện trong bữa cơm, chúng tôi dần hiểu nhau, cảm thông và chia sẻ. Căn nhà nhỏ vì thế bớt đi khoảng cách, thêm vào những tiếng cười ấm áp" - bà Mai cười vui "bật mí" bí kíp.

Từng trải qua giai đoạn sóng gió khi con dâu và mẹ chồng liên tục xảy ra xích mích khiến không khí gia đình luôn nặng nề, ông Trần Văn Hòa (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) kể nhiều lần ông thấy vợ và con dâu căng thẳng đến mức không nói chuyện cả tuần. 

"Tôi quyết định làm cầu nối cho hai bên, dành thời gian nói chuyện riêng với từng người. Tôi bảo với vợ: Con dâu đi làm cả ngày, nhiều khi mệt, có gì thì nói nhẹ nhàng. Còn với con dâu, tôi khuyên con gọi mẹ một tiếng là mẹ thì phải có lòng bao dung. May là cả hai đều chịu hạ cái tôi xuống, giờ nhà tôi mới yên ổn như vậy" - ông Hòa chia sẻ.

Giữ lửa hạnh phúc trong gia đình nhiều thế hệ- Ảnh 1.

Minh họa AI: Vy Thư

Chấp nhận sự khác biệt

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh Mai, để 3 thế hệ sống hòa thuận, điều quan trọng là phân định rõ vai trò và học cách chấp nhận sự khác biệt. Người già cần được tôn trọng, còn người trẻ cần được lắng nghe.

"Chìa khóa để sống hòa thuận là tôn trọng, chia sẻ và tạo không gian riêng cho mỗi thế hệ. Cùng nhau giữ gìn truyền thống nhưng cũng học cách thích nghi với hiện đại, đó là bí quyết để mái ấm 3 thế hệ không chỉ tồn tại mà còn hạnh phúc" - bà Mai nói.

Chị Thanh Vân (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) thì cho rằng không ít gia đình hiện nay chọn giải pháp sống gần nhau thay vì chung một nhà, để giảm áp lực va chạm nhưng vẫn duy trì gắn kết. 

"Gia đình tôi sống ở căn hộ cùng tầng với cha mẹ chồng. Buổi tối, ông bà qua chơi với cháu, ăn cơm chung. Nhưng mỗi nhà vẫn có không gian riêng để nghỉ ngơi, sinh hoạt. Chúng tôi thấy cách này rất hợp lý và thoải mái cho cả hai bên" - chị Vân bày tỏ.

Cũng theo chị Vân, một giải pháp khác là duy trì các hoạt động kết nối bằng cách tạo nhóm chat gia đình. Mỗi ngày, ai nấu món gì ngon thì chụp gửi lên, ông bà thì gửi ảnh cây cối, cháu thì khoe điểm cao. Cứ thế, cả nhà gắn bó hơn, ít xảy ra hiểu lầm vì thiếu thông tin. Sự linh hoạt trong giao tiếp, sử dụng công nghệ hợp lý cũng là một cách để các thế hệ đồng hành.

Còn theo thạc sĩ xã hội học Lê Ngọc Sơn, nếu gia đình biết xây dựng "văn hóa giao tiếp" giữa các thế hệ thì sống chung sẽ là cơ hội tốt để con cháu học hỏi nền nếp và người lớn tuổi cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau. 

Văn hóa đó thể hiện từ những điều nhỏ nhất như nói lời cảm ơn, xin lỗi, biết lắng nghe, tránh quát nạt hay ra lệnh. Càng yêu thương và tôn trọng nhau, mọi thành viên sẽ càng dễ tìm được sự đồng điệu.

"Trong xã hội hiện đại với nhiều áp lực và biến động, gia đình 3 thế hệ sống chung cũng là nơi nương tựa tinh thần lớn nhất. Khi ông bà đau ốm, có con cháu chăm sóc. 

Khi cha mẹ bận rộn, có ông bà hỗ trợ đưa đón, dạy dỗ cháu. Nhưng để điều đó không trở thành gánh nặng, mỗi người phải học cách nhường nhịn, bao dung, đồng thời giữ cho mình sự chủ động trong cuộc sống" - ông Lê Ngọc Sơn nói. 

Sự lắng nghe, chia sẻ và yêu thương là công thức giữ gìn sự hòa thuận, gắn kết giữa ông bà, cha mẹ và con cháu.

Nguồn năng lượng quý giá

Ông Nguyễn Văn Lâm (ngụ quận 10, TP HCM) dù đã 70 tuổi vẫn chủ động giữ gìn sức khỏe, chơi thể thao mỗi sáng và tự chăm sóc bản thân. Ông nói: "Mình già rồi mà còn dựa dẫm thì con cái mệt. Mình khỏe, vui thì cả nhà đều nhẹ đầu". Tinh thần chủ động, tích cực của người lớn tuổi chính là nguồn năng lượng quý giá cho cả gia đình.