"Trong dòng chảy bận rộn của cuộc sống hôm nay, nhiều cặp vợ chồng dễ rơi vào tình trạng "quá quen thuộc để cần tử tế". Thực ra, chính sự trân trọng lẫn nhau mỗi ngày mới là nguồn năng lượng nuôi dưỡng gia đình" - bà Quế Anh (70 tuổi; quận 10, TP HCM) mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Trân trọng, thông cảm lẫn nhau
Vợ chồng bà Quế Anh chung sống đã 48 năm, đến hôm nay vẫn tình tứ, ngọt ngào. Mỗi sáng, cùng nhau pha trà, ăn sáng, tâm sự, họ vẫn xưng hô "anh - em" như thuở mới quen, không tiếc lời khen ngợi, động viên nhau.
"Có thể dưới góc nhìn của nhiều bạn trẻ bây giờ, những việc làm, lời nói đó là "sến súa" nhưng thật ra, khi mỗi người đều bận rộn với công việc thì sự trân trọng lẫn nhau chính là chất kết dính, giữ cho gia đình luôn vững vàng.
"Tương kính như tân" không phải là chuyện màu mè, hình thức mà là sự thể hiện yêu thương qua thái độ và hành động cụ thể. Ví dụ ngày nào ông ấy cũng khen tôi nấu ăn ngon, dù chỉ là tô cháo trắng. Còn tôi, dù ông ấy làm gì vụng về cũng không la rầy, chỉ cười cho qua" - bà Quế Anh chia sẻ.
Thực tế, sự quen thuộc trong hôn nhân dễ làm người ta buông thả trong lời ăn tiếng nói và cách cư xử. Không ít cặp vợ chồng sau vài năm chung sống đã quên mất cách nói những câu tử tế, nhẫn nại lắng nghe đối phương, hoặc ít nhất là giữ thể diện cho nhau trước mặt người khác.
Câu chuyện của anh Trần Hữu Tâm (quận Bình Thạnh, TP HCM) là một ví dụ đáng suy ngẫm. Là quản đốc một phân xưởng, anh có thói quen ra lệnh cho công nhân rồi đem cả cách hành xử đó về nhà. Nhiều lần anh Tâm lỡ lời quát vợ trước mặt con và bạn bè. Ban đầu chị Thu Hương - vợ anh - im lặng chịu đựng nhưng lâu dần, sự tổn thương tích tụ, khiến chị lạnh nhạt, xa cách.

Minh họa AI: VY THƯ
Chỉ đến khi đứa con trai lớp 3 của anh thủ thỉ hỏi: "Sao ba hay quát mẹ trước mặt con?", anh mới sực tỉnh và quyết định thay đổi cách ứng xử. Bây giờ, trong những bữa cơm gia đình, anh Tâm chủ động nhường vợ nói trước, hỏi ý kiến chị trước khi quyết định việc gì. "Không phải tôi coi thường vợ, chỉ là do thói quen trong công việc. Để thay đổi, thật sự không dễ nhưng nhớ đến câu hỏi của con, ánh mắt chịu đựng của vợ và bầu không khí nặng nề trong gia đình, tôi buộc mình phải "uốn lưỡi trước khi nói". Tôn trọng vợ không chỉ để giữ cho cô ấy vui mà còn là giữ cho mái ấm của mình" - anh Tâm đúc kết.
Từng trải qua giai đoạn khủng hoảng hôn nhân, chị Nguyễn Hoài An (30 tuổi, TP HCM) kể do mệt mỏi vì áp lực công việc, chăm con và lo góp tiền mua căn hộ chung cư, vợ chồng chị thường xuyên cãi nhau, hễ nói chuyện thì như "dùi đục chấm mắm nêm" càng khiến cho cuộc sống chung trở nên ngột ngạt.
May mắn mẹ chị là một giáo viên về hưu, từ quê vào thăm, chứng kiến những gì đang diễn ra đã phân tích, hướng dẫn vợ chồng chị cách sắp xếp công việc, chi tiêu, chăm sóc con sao cho khoa học, hợp lý.
"Mẹ nói cuộc sống đã khó khăn, ra ngoài đối phó đủ việc thì nhà phải là nơi giúp mình "chữa lành". Đừng quên cảm ơn nhau dù là việc nhỏ nhất, xin lỗi kịp thời khi lỡ lời và dành lời khen cho những nỗ lực của nhau. Chúng tôi áp dụng và thấy đúng là những lời tử tế mỗi ngày như liều vitamin, giúp cả hai vợ chồng bớt căng thẳng, cũng thấy đối phương đáng yêu hơn thay vì chỉ nhìn thấy những lỗi lầm" - chị Hoài An đúc kết.
Đủ duyên mới nên vợ chồng
Nếu những ngày đầu yêu nhau là chuỗi dài những ngạc nhiên, dịu dàng và ngưỡng mộ thì sau hôn nhân, sự gắn bó lâu ngày dễ khiến người ta quên mất cách trân trọng bạn đời. Đặc biệt ngày nay, mạng xã hội khiến so sánh dễ dàng hơn, công việc nhiều áp lực hơn, các va chạm cuộc sống cũng dày hơn. Chính lúc này, bài học "tương kính như tân" lại càng cần được gìn giữ như chiếc neo cho hôn nhân. Đó là những đúc kết của bà Quế Anh từ cuộc hôn nhân hạnh phúc của mình cũng như những trải nghiệm từ thực tế cuộc sống.
Còn theo ông Trần Văn Hòa (72 tuổi, chồng bà Quế Anh), khi một người còn thấy đối phương đáng trân trọng, còn giữ được sự dịu dàng từ ánh mắt đến lời nói thì hôn nhân sẽ không dễ dàng lung lay bởi những va vấp đời thường. Ngược lại, sự khinh suất, lời nói thiếu tôn trọng, hành xử vô tâm mỗi ngày sẽ giống như những mũi kim nhỏ, âm thầm làm rách tấm vải yêu thương, đến lúc nhận ra thì vết rách đã quá lớn để vá.
"Bí quyết giữ được tình yêu đến đầu bạc răng long chính là: Kính trọng nhau như lần đầu mới quen. Thấy bạn đời luôn mới mẻ, thấy nhau lúc nào cũng đáng yêu, chứ không để cho sự nhàm chán xâm lấn. Vợ chồng là duyên, giữ được duyên mới là tài. Cũng như một mảnh vườn, tình yêu, sự tôn trọng lẫn nhau cần được tưới tắm, chăm sóc không ngừng nghỉ" - ông Hòa chia sẻ.
Với anh Hữu Tâm, kính trọng vợ - chồng không phải là chuyện màu mè, hình thức, mà là thể hiện sự yêu thương qua thái độ và hành động cụ thể. "Chỉ một chút thay đổi nhỏ cũng có thể thắp sáng ngọn lửa lớn của gia đình. Tôi nhận ra khi mình trân trọng người bạn đời, cũng là lúc mình đang trân trọng sự lựa chọn, trân trọng những giá trị mà chính mình hướng tới" - anh Tâm nhận định.
Hãy thử một lần!
Thay vì trách móc, hãy thử một lần hôm nay, gửi cho bạn đời một ánh nhìn trìu mến, một câu cảm ơn, một cái nắm tay thật chặt. Không thay đổi được cả thế giới nhưng ít nhất, bạn sẽ thay đổi được thế giới mà bạn và người ấy cùng dựng xây.
Bình luận (0)