Gỡ vướng cho xe điện chở khách du lịch

Nhiều địa phương quyết định tạm dừng hoạt động xe điện 4 bánh chở khách du lịch, trong khi một số nơi tạm thời hạn chế tốc độ của phương tiện này

Theo Nghị định 165/2024, từ ngày 15-2-2025, xe 4 bánh gắn động cơ (bao gồm xe điện chở khách du lịch) chỉ được hoạt động trên các tuyến đường có biển báo tốc độ tối đa 30 km/giờ, áp dụng với tất cả phương tiện. Ngoài ra, Nghị định 158/2024 nêu rõ đơn vị, hộ kinh doanh sử dụng xe 4 bánh gắn động cơ tham gia thí điểm trước ngày nghị định này có hiệu lực (1-1-2025) chỉ được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30-6-2025.

Nơi cấm hẳn xe điện chở khách, nơi cho tạm hoạt động

TP HCM đã tạm dừng toàn bộ hoạt động xe điện 4 bánh chở du khách từ ngày 1-7-2025. Trước đó, TP HCM được cho phép thí điểm loại hình xe điện 4 bánh chở du khách và một doanh nghiệp đã đầu tư hơn 70 chiếc, phục vụ gần 500.000 lượt khách trong hơn một năm. Không riêng TP HCM, từ ngày 1-7, xe điện 4 bánh cũng phải tạm ngưng hoạt động tại một số địa phương.

Trước khi Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập với TP HCM, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh này đã nhiều lần kiến nghị, mong muốn có cơ chế để xe điện 4 bánh hoạt động được tại các khu vực phát triển du lịch của địa phương bởi nhu cầu rất cao.

Mới đây, ngày 3-7, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Công an tỉnh cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND phường Cửa Lò nghiên cứu, xem xét xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu đề xuất phương án đối với xe điện 4 bánh chở du khách. Trong đó, xác định cụ thể vai trò, tính cần thiết của hoạt động xe điện 4 bánh; xem xét đặc thù tình hình giao thông và ảnh hưởng đối với hoạt động du lịch địa phương… để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Gỡ vướng cho xe điện chở khách du lịch- Ảnh 1.

Xe điện 4 bánh chở người ở Thanh Hóa tiếp tục được hoạt động sau ngày 1-7-2025. Ảnh: THANH TUẤN

Tại Thanh Hóa, từ tháng 5-2019, Sầm Sơn là 1 trong 3 địa phương (cùng với huyện Hoằng Hóa cũ và huyện Cẩm Thủy cũ) được hoạt động thí điểm xe điện 4 bánh ở các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Thanh Hóa có 5 đơn vị kinh doanh dịch vụ xe điện với 474 phương tiện.

Chiều 27-6 vừa qua, Sở Xây dựng, Công an tỉnh Thanh Hóa và Phòng CSGT đã có buổi làm việc với UBND TP Sầm Sơn (nay là phường Sầm Sơn và phường Nam Sầm Sơn) nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp tổ chức giao thông, trọng tâm là việc cắm biển báo giới hạn tốc độ tối đa 30 km/giờ trên một số tuyến đường, tạo điều kiện để xe điện tiếp tục hoạt động phục vụ du khách. Tuy nhiên, việc triển khai cắm biển giới hạn tốc độ trên các tuyến đường lại phát sinh bất cập, do ảnh hưởng hoạt động lưu thông của nhiều phương tiện khác.

Trước thực tế này, UBND phường Sầm Sơn đã thống nhất trước mắt sẽ tạm thời cắm biển phụ giới hạn tốc độ 30 km/giờ tại một số tuyến đường cụ thể đối với xe 4 bánh gắn động cơ. Xe điện 4 bánh chở du khách được hoạt động trên địa bàn này 24/24 giờ, áp dụng đến hết tháng 9-2025. Vì vậy, từ ngày 1-7 đến nay, xe điện 4 bánh vẫn hoạt động bình thường ở Sầm Sơn.

Đề xuất nhiều giải pháp cho xe điện chở khách

Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cho biết việc cắm biển tốc độ 30 km/giờ trên một số tuyến đường ở Sầm Sơn được thực hiện theo Quyết định 54/2025 của UBND tỉnh. Theo quyết định này, UBND cấp xã có thẩm quyền quản lý, tổ chức phương án giao thông, đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 30 km/giờ, áp dụng cho tất cả phương tiện tham gia giao thông. Khi thấy không phù hợp, địa phương có thể tháo dỡ biển báo.

Thống kê của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA) cho thấy cả nước hiện có 12.000 - 15.000 xe điện 4 bánh hoạt động với vận tốc khoảng 30 - 40 km/giờ. Các xe này chuyên vận chuyển du khách tại nội đô và các khu du lịch trọng điểm, góp phần quan trọng trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2-2025 đến nay, hàng ngàn xe điện ở các điểm du lịch phải tạm dừng hoạt động do thực hiện Nghị định 165/2024 và Nghị định 58/2024.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhận xét quy định xe điện 4 bánh chỉ được hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ tối đa 30 km/giờ là chưa phù hợp thực tiễn giao thông Việt Nam. Hiện nay, đường phố nước ta có rất nhiều loại phương tiện lưu thông cùng xe điện 4 bánh, kể cả xe đạp - tốc độ chỉ 7 - 8 km/giờ.

Để khắc phục những bất cập trong việc di chuyển giữa các phương tiện giao thông ở nội đô, nhiều chuyên gia đề xuất có thể cân nhắc phương án quy định loại xe tốc độ thấp như xe máy, ô tô điện 4 bánh, xe đạp... đi bên phải; loại xe di chuyển tốc độ cao như ô tô, taxi... đi bên trái.

Về vấn đề an toàn của xe điện 4 bánh chở du khách trong nội đô, ông Nguyễn Xuân Thủy đề xuất loại xe này bắt buộc phải đăng kiểm. Theo đó, các yếu tố kỹ thuật như hệ thống phanh, tốc độ… phải tuân thủ điều kiện an toàn khi di chuyển thì xe mới được đăng kiểm. Sau khi được đăng kiểm thì loại xe này hoàn toàn có quyền di chuyển bình thường trong nội đô. Bên cạnh đó, tài xế xe điện 4 bánh phải có giấy phép lái xe.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch VATA, quy định xe điện 4 bánh chỉ được hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ tối đa 30 km/giờ đồng nghĩa với việc cấm loại xe này hoạt động. Điều đó gây nhiều khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục ngàn tài xế.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người lao động và các đơn vị kinh doanh vận tải xe 4 bánh chở người, VATA đã có báo cáo gửi Chính phủ. Trong đó, VATA kiến nghị Thủ tướng sớm quan tâm, xem xét giải quyết vấn đề về xe điện 4 bánh.

Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua đã nhận được nhiều ý kiến của các địa phương về việc tháo gỡ vướng mắc cho xe điện 4 bánh chở khách du lịch. Bộ đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện các quy định liên quan để bảo đảm hoạt động của xe 4 bánh gắn động cơ được an toàn, thông suốt. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế, xác định phạm vi và thực hiện đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý để tổ chức hoạt động đối với xe 4 bánh gắn động cơ bảo đảm phù hợp với quy định. 

Lãnh đạo VATA ước tính với 15.000 xe điện 4 bánh (bình quân 350 triệu đồng/chiếc) thì số tiền đầu tư cho loại phương tiện này là 5.250 tỉ đồng.

"Một số quy định hiện nay chưa phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tăng cường đầu tư phương tiện sử dụng năng lượng sạch để bảo vệ môi trường. Nếu không có giải pháp sớm tháo gỡ cho xe điện 4 bánh hoạt động thì sẽ gây lãng phí rất lớn tiền đầu tư của các đơn vị vận tải và tiềm năng du lịch" - đại diện VATA nhìn nhận.

Gỡ vướng cho xe điện chở khách du lịch- Ảnh 2.