Gỡ vướng trong xử lý tài sản án kinh tế
(NLĐO) - Chuyên gia kiến nghị sửa đổi luật để tăng hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Ngày 14-5, Báo Pháp Luật TP HCM tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự với chủ đề "Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế".
Thu hồi tài sản là nhiệm vụ trọng tâm
Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP HCM, thông tin công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế ngày càng đóng vai trò then chốt, bên cạnh yếu tố hình sự.
Chỉ trong ba năm gần đây, TP HCM đã thu hồi hơn 50.000 tỉ đồng, chiếm 79-96% tổng số tiền thi hành án trên cả nước (chưa tính vụ án Trương Mỹ Lan). Dù vậy, việc xử lý tài sản thi hành án vẫn gặp không ít vướng mắc do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, nhất là trong các vụ án có yếu tố tài sản nhà nước.
Một nghịch lý là tài sản thuộc sở hữu nhà nước bị kê biên, xử lý nhưng không có cơ quan nào đứng ra với tư cách "người được thi hành án".
Ngoài ra, quy trình định giá tài sản chưa thống nhất giữa các giai đoạn tố tụng. Ở giai đoạn điều tra thường có hội đồng thẩm định giá do Sở Tài chính chủ trì nhưng đến khi chuyển sang thi hành án thì quy trình này bị bỏ qua, dẫn đến định giá không đồng nhất.
"Có những trường hợp tài sản được định giá 10 đồng khi điều tra, nhưng sau đó thi hành án lại thẩm định lên 30 đồng, khiến việc đấu giá thất bại, kéo dài thời gian và phát sinh chi phí" - ông Hòa dẫn tình huống.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP HCM. Ảnh: Báo Pháp luật TP HCM
Từ thực tế đó, ông Hòa đề xuất luật hóa quy trình thu hồi tài sản một cách xuyên suốt từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án, đồng thời có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn như Sở Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo tính minh bạch, chính xác và có cơ chế giám sát hiệu quả.
Nói về câu chuyện khi phải xử lý những tài sản có giá trị hàng nghìn tỉ đồng, nhiều chấp hành viên lo sợ trách nhiệm, ông Hòa cho rằng cần thiết lập một cơ chế pháp lý rõ ràng để bảo vệ người thi hành công vụ trong quá trình xử lý các tài sản có giá trị lớn.
Ngoài ra, thực tế cho thấy nhiều bản án tuyên phát mãi tài sản nhưng trên thực tế tài sản lại đứng tên người khác, gây khó khăn cho thi hành án; với các dự án bất động sản chưa đầy đủ pháp lý, chưa có quyết định giao đất, cấp phép hoặc chỉ dừng ở mức chủ trương, cơ quan thi hành án gần như không thể xử lý.
Ví dụ điển hình là vụ án Hứa Thị Phấn, bản án tuyên phát mãi dự án Bệnh viện Phú Mỹ (10 ha, huyện Bình Chánh) nhưng dự án chưa bồi thường, đất vẫn do dân đứng tên, chưa được cấp phép. Cơ quan thi hành án không thể bán đất, cũng không thể bán dự án, cuối cùng phải kiến nghị hủy án.
Từ đó, ông Hòa đề xuất bổ sung vào Luật Thi hành án dân sự cơ chế xử lý tài sản hình thành trong tương lai như dự án đang triển khai hoặc doanh nghiệp đang hoạt động. Dù luật hiện hành có đề cập đến loại tài sản này nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến chấp hành viên không dám tổ chức thi hành, dù tài sản có thật và có giá trị tương lai rõ ràng.
Nhìn từ vụ Epco – Minh Phụng
Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP HCM) đưa ra bài học từ vụ án Epco – Minh Phụng, một trong những vụ án kinh tế lớn nhưng phần thi hành án dân sự vẫn còn dang dở sau hơn 20 năm.
Theo bản án năm 2000, các tài sản thế chấp được giao cho ngân hàng xử lý, một số tài sản chưa thế chấp được giao cho doanh nghiệp của người bị án để thu hồi trả nợ. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản theo Thông tư liên tịch 02 (giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước) lại không tuân thủ đầy đủ quy trình thi hành án như kê biên, định giá, đấu giá, gây tranh chấp kéo dài. Nhiều tài sản đấu giá từ năm 2003 đến nay vẫn chưa bàn giao được.

Luật sư Lê Văn Hoan. Ảnh: Báo Pháp luật TP HCM
Ngoài ra, các tài sản chưa hoàn thiện pháp lý được giao cho doanh nghiệp đã mất tư cách pháp nhân (do không đăng ký lại sau năm 1997), khiến giao dịch trở nên vô hiệu, gây bế tắc pháp lý.
Một rối rắm khác là phần đất được mua bán bằng giấy tay từ năm 1992 chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, lại bị đưa vào diện tài sản cần thu hồi. Việc định giá không rõ ràng, theo giá đầu tư ban đầu hay giá thị trường tại thời điểm thi hành án, tạo ra nhiều tranh chấp và khiếu kiện.
Qua đó, ông Hoan cho rằng thiếu sự đồng bộ giữa các quy định của pháp luật thi hành án và ngành ngân hàng, cùng với sự buông lỏng giám sát đã khiến quá trình xử lý tài sản thi hành án, đặc biệt là bất động sản, lâm vào bế tắc kéo dài.