Góc nhìn pháp lý vụ học viên tập lái ô tô gây tai nạn chết người

(NLĐO) - Trách nhiệm pháp lý trong vụ tai nạn chết người liên quan đến người học lái xe không chỉ dừng lại ở cá nhân học viên

Liên quan vụ một học viên quê tỉnh Khánh Hòa tập lái ô tô của một trung tâm dạy lái xe trên địa bàn TP HCM đã gây ra tai nạn chết người tại Tây Ninh, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng – Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) – đã có chia sẻ với Báo Người Lao Động về trách nhiệm pháp lý mà những cá nhân, tổ chức có thể chịu trách nhiệm trong vụ này.

Góc nhìn pháp lý vụ học viên tập lái ô tô gây tai nạn chết người- Ảnh 1.

Góc nhìn pháp lý vụ học viên tập lái ô tô gây tai nạn chết người- Ảnh 2.

Hiện trường vụ tai nạn chết người

Theo đó, trước hết, người học lái xe phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi vi phạm trong quá trình tham gia giao thông. Trường hợp gây ra tai nạn nghiêm trọng, nếu hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, học viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", với khung hình phạt được quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015 lên tới 15 năm tù.

Hơn nữa, trong trường hợp người học lái xe gây vì sự tự tin quá mức hoặc do sự cẩu thả, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người", với khung hình phạt được quy định tại Điều 128 của Bộ luật Hình sự năm 2015 lên tới 10 năm tù.

Không chỉ người học lái, giáo viên hướng dẫn lái xe cũng có thể bị liên đới trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Cụ thể là việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện, hoặc buông lỏng giám sát trong quá trình dạy thực hành, có thể bị xem là hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", với khung hình phạt được quy định tại Điều 360 của Bộ luật Hình sự năm 2015 lên tới 12 năm tù.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo lái xe nơi học viên theo học cũng không thể đứng ngoài cuộc nếu xảy ra tai nạn. Nếu hồ sơ đào tạo không hợp lệ, quy trình giảng dạy không đúng quy chuẩn, hoặc giáo viên không đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định, trung tâm có thể bị buộc phải bồi thường thiệt hại theo Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, cá nhân hoặc pháp nhân sử dụng người lao động, người học nghề... sẽ chịu trách nhiệm dân sự với bên thứ 3 nếu hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi công việc được giao. Cơ sở đào tạo sau đó có quyền yêu cầu người gây thiệt hại hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền bồi thường nếu xác định có lỗi.

Tóm lại, trách nhiệm pháp lý trong tai nạn giao thông liên quan đến người học lái xe không chỉ dừng lại ở cá nhân học viên, mà có thể mở rộng đến giáo viên hướng dẫn và cả cơ sở đào tạo nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.