Ai phòng chống bạo lực gia đình?

Tại hội thảo góp ý dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức ngày 7-10, nhiều đại biểu kiến nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều khoản để luật bảo đảm tính khả thi khi triển khai thi hành trong thực tế.

Hàng loạt vấn đề bất cập trong dự án luật này đã được các đại biểu nêu ra, trong đó nổi bật là việc cấp phường - xã được giao khá nhiều quyền, trách nhiệm phòng chống bạo lực gia đình. Thực tế, lực lượng này vừa rất thiếu vừa phải đảm nhiệm nhiều công việc nên khó sâu sát tình hình các gia đình, khó thực thi luật hiệu quả.

Việc "phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số tham gia phòng chống bạo lực gia đình ở cộng đồng" nêu trong dự án luật cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Thực tế, lực lượng này tuy khá đông nhưng nhiều người còn hạn chế trình độ chuyên môn nên sẽ gặp khó khăn trong việc phòng chống bạo lực gia đình, chưa kể chế độ đãi ngộ còn bất cập…

Xây dựng luật về phòng chống bạo lực gia đình là vấn đề khó khăn. Vì liên quan gia đình nên Luật Phòng chống bạo lực gia đình còn chịu tác động của hàng loạt vấn đề như kinh tế, quyền bình đẳng giới, quyền trẻ em, môi trường giáo dục… chứ không riêng gì bạo lực.

Với bạo lực gia đình, hầu hết hành vi vi phạm đều diễn ra sau cánh cửa từng nhà. Không ít hành vi bạo lực nghiêm trọng còn được ẩn giấu thời gian dài. Thậm chí, vì nhiều lý do, bạo lực còn được che giấu bởi chính nạn nhân hoặc người thân của họ.

Phát hiện bạo lực gia đình đã khó, tìm ra rồi xử lý càng khó hơn. Nhiều ý kiến cho rằng giao trách nhiệm thực thi trực tiếp cho lực lượng cơ sở ở phường - xã quả là điều quá sức. Trước hết, họ không phải là những người có chuyên môn về lĩnh vực này. Kế đến, quyền hạn cấp cơ sở cũng khó có thể mạnh tay với các hành vi vi phạm.

Lực lượng thực thi chưa phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều quy định pháp luật trước đó khó đi vào cuộc sống thực tế như: Xử phạt hút thuốc lá, xả rác nơi công cộng, xử phạt ô nhiễm tiếng ồn…

Bạo lực gia đình là vấn đề gây bức xúc xã hội thời gian qua với hàng loạt vụ việc thương tâm. Thực tế cho thấy không phải chúng ta thiếu luật để điều chỉnh hành vi sai phạm mà nguyên do nằm ở khâu thực thi. Cả quá trình bạo lực gia đình thường diễn ra sau cánh cửa từng nhà nên người ngoài rất khó phát hiện, can thiệp. Vai trò của cơ quan chức năng địa phương chính là ở đây - cần phải tạo điều kiện tối đa để nạn nhân muốn lên tiếng và dám lên tiếng.

Đây là lần sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm ngăn chặn những vi phạm hiện tại, hướng tới mọi người đều có được ý thức tự bảo vệ bản thân thông qua các công cụ pháp luật đã có. Sớm chỉnh sửa những bất cập của luật cũng là sớm đem lại sự an toàn cho nhiều người là nạn nhân của bạo lực gia đình.