Chậm là do con người

Giải ngân vốn đầu tư công tính đến cuối tháng 6 này vẫn ì ạch, mới được chưa tới 1/3 dự toán cả năm 2022.

11 bộ, ngành và 17 địa phương hiện chưa phân bổ hết dự toán năm 2022 như Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết sức sốt ruột, liên tục ban hành văn bản chỉ đạo, thúc giục; đồng thời lập 6 đoàn công tác ở những địa phương và bộ, ngành, cơ quan trung ương chậm giải ngân vốn đầu tư công để tìm hiểu nguyên nhân, bàn giải pháp đẩy nhanh...

Tuy nhiên, nếu không có sự cải thiện mang tính đột phá, đồng bộ, toàn diện thì từ nay đến hết năm tình hình sẽ tiếp tục bi quan.

Về nguyên nhân, như đúc kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nội dung trần tình của một số địa phương, bộ, ngành liên quan thì thấy hoàn toàn không mới, những năm trước cũng đã giải thích như thế. Đó là, nguyên nhân chủ quan: dự toán chưa sát và triển khai dự án chậm; nguyên nhân khách quan: giá vật tư biến động và giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại.

Nhưng còn một nguyên nhân nữa, có thể là rất quan trọng và có yếu tố dẫn dắt - ấy là quyết tâm và trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương chưa cao - thì ít thấy mạnh dạn chỉ ra, mổ xẻ.

Thử đặt đâu hỏi: Tại sao cùng một thể chế, cùng một chính sách lại có nơi làm tốt, có nơi không giải ngân được đồng nào? Rào cản "đặc thù" của địa phương, bộ, ngành có đủ lớn để ngăn trở việc thực hiện nhiệm vụ trọng yếu như giải ngân vốn đầu tư công hay không? Thực tế cho thấy những trường hợp tỉnh, thành cùng có những đặc điểm tự nhiên và xã hội như nhau, tổ chức bộ máy và đường lối lãnh đạo cũng như nhau, mà nơi này làm được, nơi kia thì tắc. Từ đó suy ra yếu tố con người quyết định cơ bản đến tiến độ giải ngân.

Tư duy nhiệm kỳ; sợ làm sai phải gánh hậu quả; thiếu quyết tâm đổi mới... là những lý do khiến người đứng đầu địa phương, bộ, ngành chùn tay, chậm chạp trong chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, phải chăng vì chưa từng có trường hợp người đứng đầu nào bị kỷ luật do đơn vị mình giải ngân vốn đầu tư công chậm, nên chẳng ai biết sợ? Vì không lo, không sợ nên cứ làm "tà tà", đến đâu hay tới đó! Như vậy, đừng chỉ dừng lại ở mức phê bình, kiểm điểm mà cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu và xử lý trách nhiệm cá nhân thật nghiêm nếu không hoàn thành nhiệm vụ, thì mới mong có chuyển biến.

Đầu tư công là chìa khóa của tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm, thúc đẩy an sinh xã hội. Thực hiện giải ngân tốt sẽ làm lan tỏa, thúc đẩy đầu tư của xã hội, có được kết cấu hạ tầng tốt; ngược lại, sẽ bị kìm hãm nền kinh tế. Chúng ta đã tạm vượt qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19, kinh tế đang đà phục hồi và tăng trưởng tốt. Đừng để sự trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công kéo dài nữa, làm ảnh hưởng và kéo lùi nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, toàn dân.