Huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa

Quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật những năm qua đã hình thành nền tảng pháp lý toàn diện và hệ thống cho văn hóa, từ đó góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước.

Khung chính sách đã tạo môi trường thể chế cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Hệ thống văn bản pháp luật về thuế, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực cũng từng bước tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho văn hóa...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế. Nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể buộc các chủ thể thực hiện, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa còn hạn chế. Việc chậm điều chỉnh Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong bối cảnh mới đang làm giảm vai trò kiến tạo và khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập thị trường văn hóa.

Thực tế trên đòi hỏi cần tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ điểm nghẽn trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Trong đó, chú trọng xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa.

Ngoài ra, tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, các luật về thuế... nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước, huy động nguồn lực xã hội và tối ưu hóa nguồn lực nội sinh từ văn hóa.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa các năm 2014 - 2015 với tính chất "vốn mồi" đã đem lại hiệu quả. Đầu tư cho phát triển văn hóa đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Việc đầu tư cần đồng bộ, toàn diện và bảo đảm mức tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho văn hóa theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Song song đó, cần xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế và sự đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Không thể không quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có chính sách ưu đãi văn nghệ sĩ có quá trình cống hiến, có nhiều tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực trong xã hội; điều chỉnh chế độ tiền lương, trợ cấp đối với người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù…

Cuối cùng, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.