Mối nguy từ thuốc giả, kém chất lượng

Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Do vậy, việc thuốc giả, thuốc kém chất lượng lọt ra thị trường khiến người dân không khỏi lo lắng.

Những năm qua, hàng trăm lô thuốc giả, không đạt chất lượng đã bị cơ quan quản lý thu hồi, tiêu hủy. Trong đó, phần lớn là thuốc điều trị các bệnh thường gặp, như: Rabesta 20 (Rabeprazol natri 20 mg) trị trào ngược dạ dày thực quản; Myomethol chỉ định cho người bị đau lưng cấp tính do co thắt cơ xương, co thắt cơ, gãy xương hoặc trật khớp; Enalapril 5 mg điều trị tăng huyết áp; Levosum bổ sung hormone, Npluvico điều trị suy tuần hoàn não, Novotec-70 chuyên điều trị loãng xương ở người lớn tuổi...

Cuối năm 2018, Bộ Y tế từng yêu cầu ngừng sử dụng và thu hồi 57 loại thuốc chứa valsartan - được kết luận là chất gây ung thư. Điều đáng nói là nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội đã sử dụng những loại thuốc này để điều trị cho bệnh nhân cao huyết áp, suy tim và sau nhồi máu cơ tim.

Các bác sĩ điều trị từng cảnh báo nếu người bệnh sử dụng kháng sinh kém chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất thì chẳng những không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh mà còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Với các bệnh lý cấp tính, mãn tính, người bệnh sẽ phải đối diện những biến chứng khó lường, có thể bệnh nặng hơn hoặc thậm chí tử vong khi không may sử dụng phải thuốc kém chất lượng.

Tác hại do dùng thuốc giả, kém chất lượng đã rõ nhưng không thể phân biệt thuốc thật - giả hay nhận biết thuốc kém chất lượng bằng mắt thường. Thực tế cho thấy hầu hết sai phạm liên quan chất lượng thuốc chỉ được phát hiện thông qua khâu hậu kiểm - tức là khi thuốc đã được nhập khẩu, lưu hành trên thị trường, thậm chí đã được nhiều người bệnh mua về sử dụng, dự trữ.

Vì sao thuốc giả, kém chất lượng vẫn có "đất" sống dù cơ quan chức năng rất quyết liệt trong việc thu hồi, xử lý? Một trong những lý do là bởi sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dùng. Thay vì khám bệnh, mua thuốc theo toa bác sĩ, không ít người tự đến nhà thuốc, kể triệu chứng để nhân viên "kê đơn", "bốc thuốc"; hay mua thuốc theo tư vấn của bạn bè, người thân hoặc kinh nghiệm của người mắc bệnh tương tự.

Thuốc giả, kém chất lượng có ở khắp nơi trên thế giới nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở những nước đang phát triển. Tại đây, các kênh phân phối "phi chính thức" phát triển rất mạnh. Nguy cơ càng lớn khi nhiều loại thuốc được giới thiệu, phân phối trên các kênh trực tuyến với sự "bảo chứng" của những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng. Sự phát triển của "hiệu thuốc trực tuyến", "chợ mạng" với sản phẩm đa dạng, giá rẻ cũng góp sức khiến thị trường thuốc giả, kém chất lượng dễ bề hoạt động và khó kiểm soát, trong khi vẫn còn nhiều người dùng không quan tâm đúng mức đến chất lượng sản phẩm.

Để ngăn ngừa thuốc giả, kém chất lượng tiếp cận người dùng, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, "nước xa không cứu được lửa gần", để chủ động "cứu mình", người dùng cần nâng cao nhận thức khi sử dụng thuốc, tránh tự chuốc họa vào thân.