Hàng giả và "nỗi đau" của doanh nghiệp
Áp dụng chế tài đủ sức răn đe đối với hàng giả để giúp doanh nghiệp làm ăn chân chính ổn định sản xuất, đưa sản phẩm thật, chất lượng đến tay người tiêu dùng
Phát biểu tại tọa đàm "Chống hàng giả, hàng gian: Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 2-7, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Nón Sơn, cho hay hơn 30 năm qua ông kiên trì đối đầu với nạn hàng giả, hàng nhái.
Liều lĩnh và tinh vi
Theo ông Tý, các đường dây sản xuất hàng nhái, hàng giả ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ và vận hành như một doanh nghiệp (DN) thật sự, có nhà xưởng, có cả hệ thống phân phối riêng. Thậm chí, đã có trường hợp các đối tượng gian lận mua sản phẩm chính hãng đem đi thử nghiệm để lấy chứng nhận, sau đó sản xuất một sản phẩm khác, mạo danh hàng đạt chuẩn.
Cũng theo DN này, hàng giả còn đang bùng phát mạnh trên các sàn thương mại điện tử đến mức báo động nhưng khi DN phát hiện hàng giả, việc xử lý gặp vô vàn khó khăn. "Mong Báo Người Lao Động tiếp tục đồng hành cùng DN trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng gian, góp phần làm sạch thị trường và bảo vệ niềm tin của cộng đồng" - ông Tý nói.

Các đại biểu tham dự tọa đàm do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 2-7 .Ảnh: QUANG LIÊM
Tương tự, đại diện Công ty Võng xếp Duy Lợi cũng rất "đau đầu" khi sản phẩm của DN bị làm giả trong nhiều năm, đến mức "DN không thể lớn nổi". Theo đại diện DN này, võng xếp Duy Lợi là thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam suốt hơn 20 năm qua nhưng đang lâm vào tình thế khó khăn do liên tục bị làm giả, làm nhái và xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ. Dù có độ nhận diện thương hiệu cao nhưng với quy mô còn nhỏ nên DN không đủ tiềm lực để chống chọi, dẫn đến thị phần bị thu hẹp.
Gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo, Duy Lợi đã khởi động lại chiến dịch chống hàng giả. "Chúng tôi mong cơ quan chức năng áp dụng những chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với hàng giả để giúp DN làm ăn chân chính ổn định sản xuất, đưa sản phẩm thật, chất lượng đến tay người tiêu dùng" - đại diện võng xếp Duy Lợi kiến nghị.
Đến với tọa đàm, ông Lương Trọng Khoa - sáng lập Công ty CP Sâm Việt Nam (Vinapanax), Phó Chủ tịch Hội Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (cũ), chia sẻ một thông tin hết sức bất ngờ rằng hiện nay khi người tiêu dùng tìm kiếm từ khóa "sâm Ngọc Linh" trên mạng thì "có đến 90% kết quả hiện ra không phải là sâm Ngọc Linh thật".
Theo ông, thực trạng này là do một số DN trộn lẫn các loại sâm khác như sâm Lai Châu, tam thất… rồi rao bán, quảng cáo là "sâm Ngọc Linh" nhưng người tiêu dùng hoàn toàn không hề nhận biết. Nguyên nhân chủ yếu do quy định hiện tại chỉ bắt buộc kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và hàm lượng saponin - trong khi saponin không phải là hoạt chất riêng có của sâm Ngọc Linh.
Ông cũng chỉ ra một thực tế đáng lo ngại là trên mạng xã hội, chỉ cần nhiều người liên tục nhắc đến "sâm Ngọc Linh", dù họ bán hàng giả, người tiêu dùng vẫn dễ dàng tin theo.
Theo ông Khoa, để "tự cứu mình", các hội viên đã chủ động kiểm tra ADN để chứng minh sản phẩm của mình là sâm Ngọc Linh thật. Ngoài ra, vùng trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My đã tổ chức các phiên chợ nhằm cung cấp sâm thật, xây dựng niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại bất cập là người tiêu dùng ở TP HCM hay các tỉnh xa rất khó bay ra tận nơi để mua trực tiếp tại chợ phiên, do đó cần có những giải pháp hiệu quả hơn.
Lấp lỗ hổng, tăng cường kiểm tra đột xuất
Trước thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng bủa vây, bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Mỹ phẩm Anh Đào, rất mong cơ quan quản lý tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chống hàng gian, hàng giả. Ngoài ra, bà cũng kiến nghị thành lập hội đồng thanh tra liên ngành để khi phát hiện nghi vấn về hàng gian, hàng giả, hội đồng này có thể chủ động tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất và kịp thời xử lý vi phạm. Từ đó tạo sự yên tâm cho những DN làm ăn chân chính tiếp tục đầu tư xây dựng thương hiệu.
Nói về tình trạng hàng giả tràn lan trên mạng, ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chỉ ra lỗ hổng là hiện nay các nền tảng trực tuyến cho phép người bán dễ dàng tiếp cận số lượng lớn người mua mà không gặp nhiều rào cản vật lý hay thủ tục kiểm duyệt nghiêm ngặt như mô hình kinh doanh truyền thống. Đặc biệt, tính ẩn danh tương đối của không gian mạng khiến các đối tượng vi phạm dễ dàng thay đổi danh tính, địa chỉ hoạt động khi bị phát hiện.
Đáng lo ngại hơn, đối tượng bán hàng giả còn làm quảng cáo chuyên nghiệp, bài bản hơn cả những DN kinh doanh hàng thật. "Họ tận dụng triệt để các công cụ quảng cáo, tiếp thị trên mạng xã hội, đánh vào tâm lý ham rẻ, thiếu thông tin của người tiêu dùng" - ông Phong phân tích.
Chưa kể, việc xác minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm trên môi trường mạng cũng trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với các kênh bán lẻ truyền thống. Thông tin về nhà sản xuất, nhà phân phối thường không rõ ràng, thậm chí bị làm giả.
Trong khi đó, mặc dù pháp luật đã có những quy định và chế tài xử phạt, song việc thực thi và xử lý vi phạm trên môi trường số vẫn còn nhiều bất cập, chưa đủ sức răn đe. Chính những điều này khiến tình trạng hàng giả tràn lan trên môi trường mạng, trở thành thực trạng nhức nhối của nền kinh tế.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nhìn nhận công tác kiểm tra, xử lý vi phạm rất gian nan. Ông Nam kể trường hợp có những lần cơ quan quản lý vừa đến các chợ, chưa kịp kiểm tra đã bị theo dõi. "Khi chúng tôi đến gần, các quầy lập tức đóng cửa, lực lượng bảo vệ vận hành tới 10 camera chỉ để cảnh giới. Đây là một cuộc chiến lâu dài, cần kiên trì, quyết liệt, cũng như sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương" - ông Nam nói.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM, cũng nói cuộc chiến chống hàng giả là vấn đề lâu dài, không thể giải quyết dứt điểm chỉ bằng những chiến dịch ngắn hạn hay các đợt tổng kiểm tra. Việc xử lý phải được thực hiện liên tục, dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.
"Với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, DN và sự đồng hành của báo chí, tình trạng hàng giả, hàng nhái sẽ dần được kiểm soát. Cơ quan quản lý rất mong tiếp tục nhận được các thông tin phản ánh từ người dân và DN để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng tại những cơ sở uy tín, không nên tin vào các lời mời chào giá rẻ mà không rõ nguồn gốc" - ông Đạt nói.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã thiết lập đường dây nóng 1900.888.655 để tiếp nhận phản ánh hàng gian, hàng giả. Người dân cũng có thể trực tiếp đến văn phòng cơ quan chức năng để cung cấp thông tin.
Người tiêu dùng cũng được khuyến nghị chỉ nên mua hàng tại các địa chỉ uy tín, nhất là đối với những mặt hàng có giá trị cao hoặc liên quan trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.
"Cảm ơn Công ty Cổ phần LPG Biển Đông đã đồng hành cùng chương trình.
Sản phẩm nhái gây nhiễu loạn thị trường
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho biết nhiều sản phẩm giả, nhái thương hiệu Yến sào Khánh Hòa, Sanest... được bán ra thị trường với tên gần giống như Sanest 1, Sanest One, gây nhiễu loạn thị trường và làm khó lực lượng kiểm tra.
Khi bị phát hiện, các đối tượng lập tức giải thể công ty rồi mở DN mới để tiếp tục vi phạm, khiến việc xử lý chỉ mang tính tạm thời. Để tránh bị chú ý, hàng giả thường được đưa về tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa với giá rẻ, đánh vào tâm lý người tiêu dùng nhẹ dạ. Không chỉ vậy, mạng xã hội đang bị lợi dụng để quảng bá, tiêu thụ hàng giả. Thông tin trên nhãn mác thường mập mờ, không đúng thực tế, khiến việc truy xuất nguồn gốc thêm khó khăn.
Trước tình trạng đó, DN buộc phải tự vệ. Yến sào Khánh Hòa đã lập các bộ phận giám sát tại địa phương, theo dõi cả thị trường thực lẫn mạng xã hội để kịp thời phát hiện vi phạm. Dù vậy, quy trình giám định mất nhiều thời gian, chi phí cao, trong khi hàng giả vẫn tràn ra thị trường.
Nhiều DN cũng liên tục thay đổi mẫu mã, bao bì để ứng phó với hàng giả nhưng những thủ đoạn làm giả cũng tinh vi hơn, từ tem, logo đến mã QR đều bị sao chép. Ông Hải kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và DN, đồng thời nâng cao nhận thức để người tiêu dùng chủ động kiểm tra trước khi mua.