“Hành tinh quái vật” đang dần thành hình trên bầu trời
(NLĐO) - Hai đài quan sát đã cùng bắt được tín hiệu bất thường trong đĩa khí bụi của một ngôi sao trẻ, hé lộ dấu hiệu về sự hình thành một "hành tinh quái vật".
Hai đài quan sát Gaia và ALMA - một đài trên quỹ đạo Trái Đất, một đài đặt tại Chile - đã cùng ghi nhận dấu hiệu của một vật thể non trẻ mà các nhà khoa học gọi là "hành tinh quái vật". Phát hiện này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.

Hình ảnh ngôi sao MP Mus còn đĩa tiền hành tinh (ảnh nhỏ) và ảnh minh họa về "hành tinh quái vật" đang hình thành trong đĩa này - Ảnh: ESO/NAOJ/NRAO/Robert Lea
"Hành tinh quái vật" quay quanh ngôi sao MP Mus (còn được gọi là PDS 66) có tuổi đời chỉ 13 triệu năm và cách chúng ta khoảng 280 năm ánh sáng.
Đó là một độ tuổi cực kỳ non trẻ đối với một thiên thể. Vì vậy ngôi sao này vẫn còn được bao quanh bởi một đĩa khí bụi lớn, chính là đĩa tiền hành tinh.
"Trong một đĩa tiền hành tinh có độ tuổi như vậy, có thể cho thấy một số bằng chứng về sự hình thành hành tinh" - trưởng nhóm nghiên cứu Álvaro Ribas từ Viện Thiên văn học Cambridge (Anh) nói với Live Science.
Gaia là một đài quan sát dạng vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), trong khi ALMA là đài quan sát vô tuyến mặt đất mạnh nhất thế giới, hoạt động dưới sự hợp tác của rất nhiều quốc gia.
Kết hợp với nhau, hai công cụ này đã chỉ ra một khe hở trong đĩa tiền hành tinh của MP Mus. Đó là một vòng trống rỗng rất tinh tế, thể hiện việc khí bụi nơi đó đã tụ lại thành một hành tinh.
Các quan sát cho thấy hành tinh này có thể có khối lượng gấp 10 lần Sao Mộc, hoặc ít nhất cũng gấp 3 lần.
Sao Mộc vốn là "quái vật" trong hệ Mặt Trời với khối lượng tương đương 318 lần Trái Đất, cũng như hơn tổng khối lượng 7 hành tinh còn lại trong hệ cộng lại.
Vì vậy, các nhà khoa học mới gọi hành tinh tiềm năng trong hệ MP Mus là "hành tinh quái vật".
Nó khẳng định sự tồn tại bằng cách khiến sao mẹ rung lắc và cũng chính điều này đã giúp các nhà thiên văn ước tính được khối lượng của nó.