Hành trình kết nối trái tim

Những năm gần đây, Báo Người Lao Động thường xuyên tổ chức các cuộc thi viết, thi ảnh thiết thực, mang lại sân chơi sáng tạo cho bạn đọc.

1. Bản thân tôi gắn bó nhiều nhất với 2 cuộc thi đầy ý nghĩa nhân văn là "Người thầy kính yêu" và "Người thầy thuốc trong tôi".

"Tài sản" mà tôi tích lũy qua chặng đường đó là những câu chuyện muôn màu. Từ việc kết nối nhân vật, sản xuất video clip... đến dẫn chương trình, khâu nào cũng đòi hỏi sự dụng công, tỉ mỉ và tâm huyết. Những đêm thao thức, chạy nước rút cho kịp tiến độ, sự thay đổi kịp thời trước bao phát sinh đột xuất… rèn luyện cho tôi sự thích ứng và bình tĩnh.

Những nhân vật độc đáo, đầy bản lĩnh và tình yêu thương được tôn vinh qua các cuộc thi đều tạo sự lay động mạnh mẽ và dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng. Đó là phần thưởng khích lệ những người thực hiện chương trình.

2. Ở cuộc thi "Người thầy thuốc trong tôi" lần 2, chị Lục Thị Hai - quê Thái Nguyên, tác giả bài viết "Những "blouse trắng", gia đình tôi mang ơn suốt đời" - khiến cả khán phòng lặng đi khi xuất hiện trên sân khấu lễ trao giải vào tháng 2-2024. Chị xõa tóc che nửa gương mặt nhưng dáng vẻ đã thể hiện sự tự tin, không rụt rè né tránh như mười mấy năm trước...

Bài thi của chị Hai viết trên 12 trang giấy học trò, lắm chỗ nét chữ xiêu vẹo, lỗi chính tả không ít, cách dùng từ đôi khi tối nghĩa. Nhưng có hề gì, khi trong đó chứa đựng cả tấm lòng tri ân vô bờ bến và một thiên cổ tích ấm áp.

Hành trình kết nối trái tim - Ảnh 1.

Tác giả và chị Lục Thị Hai tại lễ trao giải cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi” lần 2. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

17 năm trước, 5 chị em Lục Thị Hai sống ẩn dật trong rừng sâu vì căn bệnh quái ác - loạn sản xương. Những chàng trai, cô gái đương tuổi xuân thì luôn đau đớn, bế tắc với khối u khổng lồ choán hết cả gương mặt. Dung mạo chị em họ bất thường nên phải chịu đựng biết bao lời dị nghị.

Chạy chữa khắp nơi vẫn vô ích, chị Hai nhiều lần ngước nhìn trời xanh, cầu mong "ông Bụt" ban phép tiên cho mấy chị em có được hình hài bình thường. Rồi phép mầu ấy cũng đến, không phải từ "ông Bụt" mà từ y đức và tài năng của các bác sĩ Bệnh viện K - Hà Nội.

Trường hợp bất thường của chị em Lục Thị Hai được phóng viên Báo Người Lao Động phát hiện từ năm 2007. Sau những tin tức liên tục trên báo, chị em họ được bạn đọc khắp nơi biết đến, giúp đỡ. Báo đã tích cực kết nối rồi đưa xe lên tận Thái Nguyên đón họ xuống Bệnh viện K thăm khám.

Ròng rã nhiều tháng trời, các y - bác sĩ Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K tận tình phẫu thuật, chăm sóc, cứu chữa chị em Lục Thị Hai. Họ lần lượt được cắt bỏ khối u, thoát khỏi căn bệnh mà nhiều người cho rằng "trời đày", "quỷ ám". Những người từng ở đáy sâu tuyệt vọng sau đó đã hòa nhập cộng đồng, cần mẫn lao động, tạo dựng mái ấm hạnh phúc.

Với cuộc thi "Người thầy kính yêu", chúng tôi thường bắt gặp những trang viết chan chứa yêu thương, nghĩa tình của các cây bút. Có tác giả ở độ tuổi xưa nay hiếm, có bạn nhỏ mới học hết tiểu học. Từng bài viết chuyên chở ân tình đậm sâu, làm đẹp thêm truyền thống "Tôn sư trọng đạo", "Uống nước nhớ nguồn".

Năm 2022, cụ bà Trần Thị Rồng ở An Giang, lúc ấy đã 96 tuổi, khiến hội đồng giám khảo và bạn đọc thổn thức với tác phẩm "Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc". Những câu chữ dệt nên vùng trời ký ức lấp lánh ngày hoa niên của cụ, với tình yêu và niềm tự hào sâu sắc dành cho thầy cô, mái trường, bè bạn. Bối cảnh trong bài viết dự thi cách ngày nay non nửa thế kỷ nhưng vẫn có biết bao điều gần gũi để chúng ta đồng cảm, bởi ai cũng có một người thầy đặc biệt của riêng mình.

3. Đó chỉ là một vài trong vô vàn chuyện người thật - việc thật bước ra từ những cuộc thi của Báo Người Lao Động. Các cuộc thi viết do báo tổ chức không chỉ là những sân chơi văn chương mà còn là hành trình kết nối trái tim - nơi mỗi người có thể góp sức vẽ nên bức tranh đời sống sinh động, gửi gắm lòng biết ơn, khát vọng sống đẹp và gieo hạt giống tử tế đến cộng đồng.

Với người tham gia, đây là dịp để trải lòng, bày tỏ tâm tư tình cảm - có khi là lời tri ân chưa kịp gửi, là sự trân trọng một tấm gương thầm lặng từng in dấu trong đời. Họ viết để nhớ, để củng cố niềm tin vào điều thiện lương trong mỗi người.

Với Báo Người Lao Động, các cuộc thi là cầu nối giữa tòa soạn và bạn đọc, giúp trang báo đến gần hơn đời sống thực, phản ánh những điều tốt đẹp vẫn âm thầm diễn ra mỗi ngày. Có nhiều phép mầu đã được thắp sáng, những số phận được đổi thay theo chiều hướng tích cực qua những trang viết được gửi về khắp mọi miền.

Đó là cách làm báo rất nhân văn - để bạn đọc không chỉ tiếp nhận thông tin mà còn là những người tạo ra nội dung, chia sẻ bao điều giá trị quanh mình. Những bài viết không chỉ truyền cảm hứng sống đẹp mà còn lan tỏa tinh thần yêu nghề, trách nhiệm và phụng sự đến đội ngũ làm báo.