Hiếm muộn vì quai bị, người cha 8X bất ngờ đón cặp song sinh
(NLĐO) - Hiếm muộn do biến chứng quai bị và hội chứng Klinefelter, người đàn ông 8X vẫn đón song thai nhờ ca vi phẫu tinh hoàn thành công.
Trước khi kết hôn, chị N.T.T.A (SN 1989) đã biết anh T.Đ.N. (SN 1984) gặp khó khăn trong việc sinh con do biến chứng quai bị khiến anh không có tinh trùng. Năm 2017, hai người quyết định về chung một nhà, bắt đầu hành trình nhiều gian nan, tìm kiếm cơ hội làm cha mẹ.

Tư vấn điều trị hiếm muộn cho một cặp vợ chồng trẻ
Từ TP Huế, anh chị đi nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc điều trị hiếm muộn nhưng vẫn không có kết quả. Nghe giới thiệu, vợ chồng anh N. tiếp tục đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám.
Tại đây, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng Khoa Nam học cho biết anh N. không chỉ bị biến chứng quai bị mà còn mắc hội chứng Klinefelter (47,XXY), một rối loạn di truyền khiến cơ thể không thể sinh tinh trùng như bình thường.
Theo bác sĩ Việt, trước đây các trường hợp như anh N. gần như không có cơ hội làm cha. Tuy nhiên, với kỹ thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro TESE) kết hợp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã mở ra hy vọng.
May mắn, năm 2020 vợ chồng anh N. đến khám đúng thời điểm "Tuần lễ vàng" của bệnh viện và trở thành một trong 20 cặp vợ chồng được hỗ trợ phẫu thuật Micro TESE miễn phí.
Ngày chị T.A. được lấy trứng cũng là ngày anh N. phẫu thuật tìm tinh binh. Kết quả vượt mong đợi khi bác sĩ tìm thấy tinh trùng chất lượng tốt. Sau khi tạo và nuôi phôi, những "mầm sống" được đưa vào cơ thể chị A. thành công. Tuần thứ 5, siêu âm cho thấy chị mang song thai.

Tổ ấm trọn vẹn của vợ chồng anh N. sau hành trình chạy chữa hiếm muộn. Ảnh: Lê Tâm
Khi thai qua 9 tuần, anh chị trở về Huế để dưỡng thai. Sau nhiều tháng chờ đợi, cặp song thai trai - gái chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình. Đến nay, hai bé đã 4 tuổi, khỏe mạnh, lanh lợi.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để tiếp cận điều trị, khi chi phí cho một chu kỳ IVF dao động từ 70 đến 100 triệu đồng, chưa kể các khoản chi khác như xét nghiệm, thuốc và can thiệp kỹ thuật.
Theo bác sĩ Hiền, quỹ BHYT hiện chưa thanh toán cho các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đồng nghĩa với việc phần lớn các cặp vợ chồng phải tự chi trả toàn bộ chi phí. Thời gian qua, cử tri một số địa phương đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét mở rộng danh mục dịch vụ khám chữa bệnh, đưa điều trị vô sinh, hiếm muộn vào danh mục được BHYT chi trả.
10 gia đình hiếm muộn được hỗ trợ IVF miễn phí
Để đồng hành với các cha mẹ hiếm muộn, trong "Tuần lễ vàng năm 2025", Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sẽ tặng 10 gói IVF miễn phí cho các cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn. Cùng đó, tặng 20 gói xét nghiệm phôi bệnh lý gen và 10 gói phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng, theo hình thức xét duyệt hồ sơ, đến ngày 25-5. Đây là hoạt động thường niên của bệnh viện từ năm 2015 giúp người dân tiếp cận kỹ thuật hiện đại, xác định nguyên nhân hiếm muộn và sớm có cơ hội làm cha mẹ.