Hiểu đúng sexting, hành động nhanh để bảo vệ trẻ
Nhiều người lầm tưởng sexting chỉ xảy ra ở người trưởng thành.
Sexting, kết hợp từ "sex" (tình dục) và "texting" (nhắn tin), là hành vi gửi, nhận hoặc chia sẻ nội dung tình dục qua thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, mạng xã hội. Các hình thức phổ biến gồm gửi ảnh/video khỏa thân/gợi dục, tin nhắn khiêu dâm, trò chuyện trực tuyến nhạy cảm, thậm chí livestream thiếu kiểm soát.
Nhiều người lầm tưởng sexting chỉ xảy ra ở người trưởng thành. Thực tế đáng lo ngại là hành vi này ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên - giai đoạn nhận thức chưa hoàn thiện, tâm lý non nớt và dễ tổn thương. Vụ việc nữ sinh ở Gia Lai tháng 6-2022 bị đối tượng 19 tuổi tống tiền bằng ảnh nhạy cảm, hay nữ sinh 13 tuổi ở Lạng Sơn bị ép sexting có trả phí qua video call là những ví dụ đau lòng. Vấn nạn này cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng, phản ánh những rạn nứt trong giáo dục và quản lý của người lớn đối với thế hệ trẻ.
Sexting ở thanh thiếu niên không chỉ là hành vi lệch chuẩn cá nhân, mà cần xem xét trong tổng hòa các yếu tố: sinh lý tuổi dậy thì, tác động môi trường số, thiếu hụt giáo dục giới tính và ảnh hưởng từ truyền thông không phù hợp. Tuổi dậy thì là giai đoạn khám phá cơ thể và mối quan hệ. Tính hiếu kỳ, bốc đồng, kinh nghiệm hạn chế khiến các em dễ đưa ra quyết định thiếu cân nhắc, tham gia sexting để thỏa tò mò, khẳng định bản thân hoặc tìm kiếm sự công nhận. Hành vi không lành mạnh từ người lớn có thể vô tình trở thành khuôn mẫu lệch lạc. Trẻ chưa đủ năng lực phân biệt tưởng tượng và thực tế, hành vi cá nhân và hậu quả pháp lý, dễ dẫn đến sai lầm.
Sự thiếu hụt giáo dục giới tính toàn diện là yếu tố then chốt làm gia tăng nguy cơ. Khi không được trang bị kiến thức đầy đủ về cơ thể, quyền riêng tư, ranh giới lành mạnh và rủi ro từ mạng, trẻ dễ trở thành nạn nhân hoặc người thực hiện hành vi mà không ý thức được tác động lâu dài.
Các nền tảng mạng xã hội (TikTok, Instagram, Facebook, Zalo…) với đặc trưng hình ảnh, video, khả năng lan truyền nhanh và xu hướng tôn vinh hình ảnh cá nhân đã vô tình thúc đẩy tâm lý bình thường hóa việc chia sẻ hình ảnh cá nhân, kể cả nội dung nhạy cảm. Tiếp xúc sớm với nội dung không lành mạnh có thể gây lệch lạc nhận thức về tình dục và mối quan hệ.
Đáng quan ngại, nhiều bạn trẻ tin rằng hình ảnh/video đã xóa sẽ biến mất vĩnh viễn. Thực tế, mọi nội dung số đều có thể bị chụp lại, lưu trữ, sao chép, tái sử dụng vào mục đích xấu, phát tán dễ dàng. Hệ quả là trẻ có thể bị bắt nạt, đe dọa, tống tiền, quấy rối, dẫn đến nguy cơ mắc rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), mất lòng tin vào bản thân và người khác.
Do đó, vai trò của gia đình, đặc biệt là cha mẹ, là tuyến phòng thủ đầu tiên và quan trọng nhất. Tạo dựng môi trường gia đình an toàn, nơi trẻ được tôn trọng, lắng nghe, sẽ giúp các em dễ chia sẻ vấn đề nhạy cảm. Cha mẹ nên chủ động trò chuyện với con bằng câu hỏi gợi mở, không phán xét, dẫn dắt vào những cuộc đối thoại giáo dục đầy thấu hiểu. Cần có những "hợp đồng ngầm" về sử dụng thiết bị số, vừa giám sát vừa tôn trọng. Phụ huynh cần cập nhật kiến thức về sexting và an toàn mạng để đồng hành cùng con. Làm gương sử dụng mạng xã hội văn minh, đúng mực là bài học trực quan nhất.
Đồng thời, cần trang bị cho trẻ nhận thức pháp lý: hành vi chia sẻ, phát tán nội dung khiêu dâm, dù vô ý hay cố ý, đều có thể bị xử lý theo pháp luật - trẻ từ đủ 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Bộ Luật Hình sự 2015).
Khi phát hiện con liên quan đến sexting, phụ huynh cần bình tĩnh, tránh đổ lỗi. Hãy tập trung hỗ trợ trẻ xóa bỏ nội dung, báo cáo vi phạm và trấn an tinh thần. Điều này giúp trẻ ổn định cảm xúc, vượt qua lo lắng, sợ hãi. Nếu cần, hãy kết nối với chuyên gia tâm lý hoặc giáo dục để bảo đảm sự phục hồi kịp thời. Không ai đáng bị bỏ rơi, nhất là một đứa trẻ đang cần giúp đỡ.
Sexting không chỉ là hành vi cá biệt mà là biểu hiện của những thách thức lớn mà thế hệ trẻ đối mặt trong kỷ nguyên số. Bảo vệ các em cần sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường, truyền thông và chính sách xã hội. Giáo dục giới tính cần trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình giáo dục, được thực hiện khoa học, cởi mở và nhân văn.