Hoàn thiện văn hóa lãnh đạo, cầm quyền

Khi nói về văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, Đảng ta nhìn nhận vẫn còn không ít hạn chế, bất cập.

Trong quá trình thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới thì văn hóa lãnh đạo, cầm quyền là một trong những vấn đề rất quan trọng.

Thực tiễn cho thấy văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta đã từng bước được củng cố và tăng cường với quyết tâm chính trị và sự lãnh đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự giám sát và hưởng ứng của nhân dân.

Điều dễ nhận thấy nhất là tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được phát huy cao độ trong mọi lĩnh vực cuộc sống; việc giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ có chuyển biến rõ rệt. Nhờ vậy, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ không ngừng được nâng lên.

Tuy nhiên, khi nói về văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, Đảng ta nhìn nhận vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Đó là hiện tượng lệch chuẩn văn hóa; tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lãng phí, vô cảm… của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây là những biểu hiện suy thoái về văn hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, có thể gây xói mòn niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.

Hoàn thiện văn hóa lãnh đạo, cầm quyền- Ảnh 1.

Đại diện các cơ sở Đảng ở tỉnh Quảng Bình (cũ) nhận khen thưởng về thành tích xuất sắc trong học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết của Đảng. Ảnh: HOÀNG PHÚ

Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương đã luôn xác định tầm quan trọng của văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Các vấn đề liên quan nhận thức, tư duy lý luận về vai trò và nội hàm của văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng không ngừng được hoàn thiện, phát triển để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của từng giai đoạn phát triển.

Chẳng hạn, Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể.

Đại hội XII của Đảng yêu cầu "coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, trong hệ thống chính trị, mà nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Ở Đại hội XIII, Đảng chỉ rõ: "Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng".

Trong Quy định 144-QĐ/TW về "Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới" ban hành ngày 9-5-2024, Bộ Chính trị cũng đã quy định cụ thể về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ứng xử, giải quyết các mối quan hệ của từng tổ chức Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên…

Văn hóa lãnh đạo, cầm quyền vì vậy phải luôn là nội dung mà các cơ sở Đảng phải chú trọng trong quá trình xây dựng và phát triển.