Hồi sinh "hạt ngọc đen" vùng cao

Trước nguy cơ lúa nếp than giàu dinh dưỡng bị mai một, tỉnh Quảng Bình đã triển khai phục tráng, hướng tới sản xuất VietGAP, mở rộng thị trường tiêu thụ

Lúa nếp than vốn sinh trưởng trên những nương rẫy vùng cao, từng gắn bó lâu đời với đồng bào Bru-Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng, trước tác động của thời tiết khắc nghiệt và phương thức canh tác truyền thống, giống lúa quý này dần bộc lộ hạn chế, có nguy cơ mai một.

Không còn bị lãng quên

Nhằm bảo tồn nguồn gien bản địa và phát triển nông nghiệp bền vững, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình đã triển khai thực hiện đề tài "Bảo tồn, phục tráng giống lúa nếp than tại huyện Lệ Thủy". Việc này còn nhằm mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Hạt gạo nếp than có màu tím đen tự nhiên, khi nấu lên dẻo thơm, giàu chất chống ô-xy hóa và khoáng chất. Vì những đặc điểm vượt trội này, gạo nếp than được ví như "hạt ngọc đen" trên nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ là lương thực quen thuộc của họ, gạo nếp than còn có tiềm năng trở thành sản phẩm đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đức - ngụ bản Cửa Mẹc, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy - cho rằng do canh tác theo phương thức truyền thống, chủ yếu trồng trên nương rẫy, ít bón phân, ít chăm sóc nên lúa nếp than thường còi cọc, năng suất thấp, chất lượng hạt gạo chưa cao. Nhận thấy giá trị vượt trội của lúa nếp than, từ năm 2017, một số hộ dân xã Ngân Thủy đã mạnh dạn thử nghiệm chuyển đổi sang canh tác trên ruộng nước.

Kết quả cho thấy lúa nếp than phát triển tốt hơn, năng suất ổn định hơn so với trồng trên nương rẫy. Từ đó, diện tích gieo trồng dần được mở rộng, với hơn 10 ha lúa nếp than được duy trì tại nhiều bản ở xã Ngân Thủy.

Theo các nghiên cứu khoa học, nếp than là giống lúa có khả năng thích nghi với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Khi áp dụng mô hình gieo trồng ứng dụng khoa học - công nghệ, kết quả canh tác lúa nếp than khả quan hơn hẳn so với phương pháp truyền thống.

Ông Đức nhận xét: "Nhờ chuyển xuống ruộng nước, có nhân viên kỹ thuật hướng dẫn, cây lúa nếp than khỏe mạnh hơn, hạt gạo thơm ngon, bán ra cũng được giá hơn. Gia đình tôi đang tính nhân rộng diện tích để phát triển kinh tế bền vững".

Theo ông Hồ Văn Núi, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy, nếp than là giống lúa quý, gắn bó bao đời với đồng bào Bru-Vân Kiều. Vì năng suất thấp do canh tác theo phương thức truyền thống, người dân dần thay thế nếp than bằng giống lúa khác. Mãi đến năm 2020, lúa nếp than mới được phục tráng trên nương rẫy tại xã Ngân Thủy.

Hiện nay, người dân địa phương canh tác lúa nếp than không sử dụng phân hay thuốc trừ sâu hóa học, tạo ra sản phẩm sạch, giàu dinh dưỡng. Dù năng suất chỉ hơn 30 tạ/ha nhưng giá trị kinh tế của gạo nếp than rất cao, giá bán lên đến 80.000 đồng/kg - gấp đôi các loại nếp thông thường. Sau bao năm bị lãng quên, lúa nếp than đã hiện diện nhiều nơi trên mảnh đất quê hương của đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy.

Hồi sinh "hạt ngọc đen" vùng cao- Ảnh 1.

Hồi sinh "hạt ngọc đen" vùng cao- Ảnh 2.

Sản xuất lúa nếp than theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

Hướng đi bền vững

Với nguồn giống nếp than đã được đồng bào Bru-Vân Kiều gieo trồng qua nhiều thế hệ tại xã Ngân Thủy, việc đánh giá hiệu quả thực tế của loại lúa quý này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương.

Nhằm kiểm chứng tính ổn định của giống lúa nếp than, giúp người dân tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình đã chủ trì triển khai 2 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy và xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, với tổng diện tích 8 ha.

Trong khuôn khổ dự án, nhóm nghiên cứu đã khảo sát thực địa, thu thập dữ liệu, lấy mẫu giống và đánh giá thực trạng sản xuất lúa nếp than tại các vùng trồng truyền thống. Dựa trên dữ liệu thu thập được, các chuyên gia đã ghi nhận những đặc tính quan trọng của loại lúa này, từ đó triển khai phục tráng và chọn lọc, nhằm tạo ra nguồn giống nguyên chủng.

Giống lúa nếp than mới không chỉ giữ được các đặc tính như hạt nhỏ, màu tím đen đặc trưng, cơm dẻo thơm, hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn bảo đảm năng suất ổn định hơn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục nhân rộng giống nguyên chủng, phục vụ sản xuất đại trà.

Dự án còn tập trung hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho gạo nếp than. Việc liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng "được mùa, mất giá". Việc thiết kế nhãn mác, bao bì chuyên nghiệp và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cũng được triển khai nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nền tảng vững chắc để đưa gạo nếp than Quảng Bình ra thị trường trong và ngoài nước.

Theo kỹ sư Lê Quốc Việt, Trưởng Phòng Kinh doanh - Công ty CP Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình, đơn vị đang tập trung nghiên cứu để chọn lọc giống lúa nếp than thuần chủng, vừa bảo đảm năng suất ổn định vừa phát huy tối đa giá trị dinh dưỡng. "Việc phục tráng giống lúa nếp than không chỉ là nỗ lực bảo tồn nguồn gien quý mà còn tạo động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai, gạo nếp than Quảng Bình sẽ trở thành một thương hiệu đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân" - ông bày tỏ.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình đánh giá cao việc phục tráng giống lúa nếp than ở địa phương. Khi dự án phục tráng thực hiện thành công, việc nhân rộng mô hình sản xuất theo quy chuẩn VietGAP và đẩy mạnh thương hiệu sẽ giúp gạo nếp than Quảng Bình vươn xa, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững cho địa phương. 

Tín hiệu tốt sau thử nghiệm

Bên cạnh lúa nếp than bản địa, thời gian qua, nhiều mô hình thử nghiệm giống lúa nếp than mới cũng được triển khai nhằm đánh giá tiềm năng phát triển.

Tháng 1-2022, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Ninh Đông (TP Đồng Hới) đã trồng thử nghiệm lúa nếp than ĐH6 (nếp cẩm Căm Pẹ, có nguồn gốc từ Thanh Hóa) với 14 hộ dân tham gia trên diện tích 5 ha. Kết quả cho thấy giống này có thời gian sinh trưởng ngắn, thân cứng, khả năng chống đổ tốt, tỉ lệ hạt chắc cao; năng suất đạt 35-40 tạ/ha, thậm chí nếu thâm canh tốt có thể lên đến 50 tạ.