Hồi sinh những lá phổi xanh
Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, các lá phổi xanh sau khi được hồi sinh còn mang lại sinh kế bền vững, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư địa phương
Nhờ sự chung tay của chính quyền địa phương và sự chuyển biến tích cực trong ý thức của người dân, những cánh rừng ngập mặn ở Bình Định từng bị tàn phá đang dần được hồi sinh.
Phủ xanh đầm Thị Nại
Được ví như lá phổi xanh của TP Quy Nhơn, Thị Nại là đầm nước mặn lớn nhất tỉnh Bình Định với diện tích trên 5.000 ha, thuộc địa phận 4 phường, xã của TP Quy Nhơn và 4 xã của huyện Tuy Phước.
Đầm Thị Nại có hệ sinh thái phong phú và nhiều thắng cảnh. Trong đó, khu sinh thái Cồn Chim ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước đang là điểm du lịch sông nước thu hút khá nhiều du khách. Chẳng khác nào vùng sông nước miền Tây, đây là nơi bảo tồn thiên nhiên kết hợp với du lịch sinh thái nằm giữa đầm Thị Nại.
Cồn Chim có khu rừng ngập mặn hàng chục năm tuổi, gồm nhiều loài cây: đưng, đước, sú vẹt…, tạo nên hệ sinh thái đa dạng. Đây là môi trường sống trong lành của các loài thủy sản; thu hút nhiều loài chim: cò, le le, sếu… từ khắp nơi. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, hệ động vật ở đây khá phong phú với khoảng 64 loài phù du, 76 loài cá và hàng trăm loài chim.
Ít ai biết rằng để Cồn Chim nói riêng và đầm Thị Nại nói chung được phủ xanh trở lại như hôm nay, tỉnh Bình Định đã phải mất 2 thập kỷ mới khôi phục được hệ sinh thái ngập mặn này.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, trước năm 1975, đầm Thị Nại có 1.000 ha rừng ngập mặn. Thập niên 1990, nghề nuôi tôm bùng phát, những cánh rừng chắn sóng, chắn gió ở Bình Định bị tàn phá dữ dội. Trong đó, đầm Thị Nại chỉ còn trơ trụi những hàng cây phân tán; Cồn Chim trống huơ trống hoác, đứng ở đầu xóm có thể thấy người đi trên bờ đất cuối xóm.
Năm 2004, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Dự án "Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại". Đến năm 2005, dự án được triển khai với việc trồng phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Ông Trương Xuân Đưa - Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định - cho biết khi đó, rừng được phục hồi theo phương thức nhà nước trồng, chăm sóc 5 năm đầu; khi thành rừng sẽ giao khoán cho người dân ven đầm bảo vệ. Ban đầu, phong trào trồng rừng ngập mặn ở Cồn Chim được cơ quan chức năng thực hiện, sau đó lan tỏa rộng khắp vùng đầm Thị Nại.
UBND huyện Tuy Phước đã mua cây giống cấp cho dân có ao, hồ nuôi tôm trồng để giữ bờ. Khi trồng cây ngập mặn, chủ ao nuôi tôm có thể tiết kiệm mỗi năm vài chục triệu đồng tiền gia cố bờ ao sau những mùa mưa bão. Vậy là, hầu hết các hộ nuôi tôm ở Cồn Chim thu hái trái giống những cây bần xung quanh về tự ươm trồng để giữ bờ ao. Nhờ đó, hệ sinh thái của Cồn Chim cũng như đầm Thị Nại dần phục hồi.
Đến nay, diện tích rừng ngập mặn được trồng trên đầm Thị Nại khoảng 65 ha, tập trung chủ yếu ở Cồn Chim. Ngoài ra, khoảng hơn 600 ha được trồng phân tán dọc theo các bờ ao, hồ nuôi thủy sản của người dân.

Nhiều loài chim tụ tập về Cồn Chim sau khi rừng ngập mặn ở đây hồi sinhẢnh NGUYỄN DŨNG

Người dân địa phương khai thác thủy sản giữa rừng ngập mặn trên mặt đầm Thị Nại. Ảnh NGUYỄN DŨNG
Bảo vệ, phát triển bền vững
Tiếp nối thành quả từ việc hồi sinh lá phổi xanh trên đầm Thị Nại, năm 2023, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục phê duyệt Dự án "Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển" trên địa bàn, giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện.
Dự án này tập trung khôi phục, trồng mới, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn tại TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ. Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định sẽ triển khai giao khoán bảo vệ, chăm sóc và trồng mới với diện tích khoảng 258 ha; trồng mới 7.300 cây ngập mặn phân tán dọc các khu vực bãi triều ven đầm và những ao hồ nuôi trồng thủy sản.
Trên cơ sở triển khai thực hiện dự án, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định đã tổ chức chăm sóc 18,8 ha rừng hiện có; trồng 4.600 cây ngập mặn phân tán trên đầm Đề Gi (thuộc 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ) và đầm Thị Nại. Trung tâm còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bảo vệ, không để xảy ra tình trạng xâm hại đối với 88,11 ha rừng ngập mặn tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, cho rằng việc trồng rừng ngập mặn đã khó nhưng khâu chăm sóc, quản lý và bảo vệ càng khó hơn. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực chung tay phối hợp của các cấp, các ngành ở địa phương và của cộng đồng dân cư sinh sống ven đầm.
Năm 2025, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định tiếp tục ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với các hộ dân, tổ chức trồng cây phân tán, thông tin tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Bên cạnh đó, trung tâm còn tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.
Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, những khu rừng sinh thái được hồi sinh nêu trên còn mang lại sinh kế bền vững, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư địa phương.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, hằng năm, trung tâm còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái; nêu cao vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. Các hoạt động này đã giúp nâng cao ý thức, hình thành thói quen, thu hút sự quan tâm của người dân sống ven đầm Đề Gi và đầm Thị Nại cùng chung tay bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên rừng ngập mặn.
Ông Huỳnh Ngọc Biên - Trưởng thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước - cho biết nhận thức của người dân được nâng lên thấy rõ; không còn tình trạng phá rừng ngập mặn, lấn chiếm, cắm cọc khai thác thủy sản như trước. Vì vậy, các loài động vật và thủy sản ở đây ngày càng phong phú.