Hồi sinh rừng bản địa quý hiếm

Từng là "lâm tặc", ông Sự không nghĩ có ngày mình trở thành "nhà thực vật học" trồng rừng và giảng dạy cho nông dân nhiều nơi về kinh nghiệm trồng rừng mà mình học được

Hơn 5 năm trước, ông Nguyễn Đức Sự (56 tuổi; ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) học cách ươm cây giống và trồng những giống cây bản địa như lim, sứa, táu, gõ… để sau ngần ấy năm, từ những cây con khỏe mạnh nay đã thành hàng ngàn cây gỗ lớn, bao phủ hơn 7 ha đất rừng trọc ở quê nhà.

Từ ý thức trả nợ rừng

Nhiều năm qua, ngày nào cũng vậy, ông Sự đều dành thời gian để vào ngắm nghía, quan sát từng cây mình trồng đang lớn lên từng ngày. Dưới tán rừng, ông Sự kể thuở thanh niên, ông sống ở khu vực miền núi nên cái đói nghèo cứ bủa vây. Để có tiền, ông thường cùng thanh niên trong làng lên rừng cưa cây vận chuyển về xuôi bán.

Một thời gian dài được gia đình, chính quyền, kiểm lâm tích cực tuyên truyền vận động, ông Sự đã thay đổi nhận thức và quyết tâm trả nợ rừng xanh bằng công việc trồng rừng.

Ban đầu, ông Sự trồng cây keo được 7 ha nhưng do thiên tai, bão lũ khiến cây gãy đổ. Năm 2013, trận bão lớn khiến toàn bộ khu rừng keo của ông bị hư hại nặng, bao nhiêu vốn đầu tư mất trắng.

Sống cạnh rừng nhưng ông Sự chưa biết cách gì để tạo sinh kế bền lâu. Bất ngờ, UBND xã Cao Quảng mời ông cùng 8 hộ dân khác tham gia dự án của Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) và Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng (CENDI) từ Hà Nội vào giúp dân trồng rừng bản địa.

"Ban đầu cũng lạ lẫm lắm, được các chuyên gia hướng dẫn tỉ mỉ nên tôi chịu khó học cách ươm giống các loại cây bản địa như hạt lim, táu, gõ, hương, lát… Khi thấy hạt đã lên mầm, nảy nở tôi rất vui. Lúc đó, tôi nghĩ phải trồng nhiều giống cây bản địa này để bù đắp, trả nợ những cây rừng trước đây mình chặt phá" - ông Sự tâm sự.

Cánh rừng cây bản địa của ông Nguyễn Đức Sự xanh tốt đầy triển vọng về mô hình kinh tế rừng trong tương lai

Cánh rừng cây bản địa của ông Nguyễn Đức Sự xanh tốt đầy triển vọng về mô hình kinh tế rừng trong tương lai

Ông Sự cho biết ban đầu ông chọn quả đồi trọc hơn 3 ha để trồng thử nghiệm 5.000 cây bản địa do mình ươm được, như: lim, sứa, táu, gõ…, sau đó tăng dần lên 7 ha. Dù đất đai khô cằn nhưng cây càng ngày càng sinh trưởng tốt.

Đến nay, những cây giống bản địa ông Sự miệt mài trồng, chăm sóc suốt thời gian dài đã phủ xanh những ngọn đồi. Dù có cây chỉ mới trồng hơn 5 năm, nhưng trong khu rừng đã có nhiều cây gỗ lớn, sinh trưởng tốt, góp phần tăng độ che phủ của những cánh rừng ở tỉnh Quảng Bình.

Xung quanh khu rừng, ở những chỗ đất trống, ông Sự còn trồng thử nghiệm nhiều loại cây dược liệu ngắn ngày, thêm dự án nuôi ong thuần chủng để cải thiện kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Trong đó, đặc biệt là cây sim, khai thác quả cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. "Loài này sống được ở vùng đất cằn cỗi, chịu thời tiết khắc nghiệt, khi bón phân tưới nước đều thì cây sinh trưởng tốt" - ông Sự đúc kết.

Trở thành "nhà thực vật" học

Từng là một "lâm tặc", ông Sự không nghĩ có ngày mình trở thành người giảng dạy cho nông dân nhiều nơi về kinh nghiệm trồng rừng. Không những thế, ông còn trở thành nhà "thực vật học" thực thụ của vùng đất này khi đến nay đã tiến hành ươm thành công gần 2.500 giống thực vật có hạt từ các cánh rừng bản địa.

Ông Sự đã được 2 tổ chức SPERI và CENDI công nhận là người có khả năng ươm giống tốt. Ông được các tổ chức này mời đi hướng dẫn kiến thức ươm giống, kỹ thuật chăm sóc cây con, phụ giúp người dân các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên phát triển rừng bản địa.

Ông Nguyễn Đức Sự bên vườn ươm cây giống bản địa của mình

Ông Nguyễn Đức Sự bên vườn ươm cây giống bản địa của mình

Hằng ngày, khi có thời gian rảnh, ông Sự lại hướng dẫn, truyền đạt những kiến thức trồng rừng, ươm giống cây bản địa, đến kỹ thuật chăm sóc cây con cho người dân ở Quảng Bình. Vườn ươm của ông Sự cũng có đủ loại giống hỗ trợ người dân trong vùng, nhằm "lấy ngắn nuôi dài". Thấy rừng ông Sự tươi tốt, mang lại giá trị kinh tế trong tương lai nên ban đầu chỉ lẻ tẻ vài hộ dân theo ông học cách ươm giống cây bản địa thay thế những rừng tràm và trồng bổ sung cây dược liệu. Đến nay, toàn xã có gần 50 hộ dân học cách ươm trồng cây rừng gỗ quý từ ông Sự.

"Khi trồng cây bản địa và cây dược liệu dưới tán rừng, chúng ta sẽ tạo nên sự đa dạng sinh học cho khu rừng. Cây ngày càng lớn, rừng ngày càng khôi phục thì độ ẩm ngày càng cao, nước đầu nguồn càng tăng thêm. Mới mấy năm mà đã xoay chuyển tình hình, thượng nguồn sông Gianh hướng Cao Quảng đã tích được nhiều nước. Chúng ta cần nước sạch để uống, cần không khí sạch để thở thì nên chịu khó bỏ công chăm sóc rừng tự nhiên, trồng cây bản địa. Sau này rừng sẽ cho chúng ta nguồn sống. Trồng cây gỗ lớn mất 10 năm chăm sóc nhưng qua năm thứ 11, chỉ cần thu hoạch cây đa tán rừng, sản vật, lâm sản ngoài gỗ, mật ong,… là đã đủ làm giàu vì mỗi ha rừng có thể cho thu hoạch 200-300 triệu đồng/năm. Trong khi cây keo chỉ thu nhập 30-40 triệu đồng mà làm đất ngày càng bạc màu đi" - ông Sự tin tưởng. 

Nâng diện tích rừng tự nhiên

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, cho biết địa phương này có diện tích rừng lớn nhất nhì huyện, độ che phủ lớn. Xã đặt mục tiêu hết năm nay, độ che phủ rừng đạt 90%, nâng dần diện tích rừng tự nhiên và giảm bớt diện tích rừng trồng thương mại. Cách làm của ông Nguyễn Đức Sự thực sự là tiên phong, mở đường cho người dân cùng học hỏi, ứng dụng kỹ thuật trồng rừng cây bản địa, kết hợp cải tạo đất rừng trồng dược liệu, cho thấy hiệu quả kinh tế trước mắt; vừa bảo vệ phát triển rừng cây bản địa mang tính bền vững, vừa tạo ra tín chỉ carbon giao dịch trên thị trường.