Hướng đi bền vững
Với mạng lưới khoảng 2.000 km kênh rạch, TP HCM từng được xem là "Venice phương Đông".
TP HCM, một trong những đô thị phát triển nhanh nhất Việt Nam, từng bước thay đổi diện mạo qua những nỗ lực cải tạo hệ thống kênh rạch - vốn từ lâu là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và ngập úng trầm trọng. Từ những dòng kênh đầy rác thải, thành phố đang hướng tới mục tiêu xây dựng các hành lang sinh thái, tích hợp không gian công cộng, đem lại diện mạo mới cho đô thị và cuộc sống người dân.
Với mạng lưới khoảng 2.000 km kênh rạch, TP HCM từng được xem là "Venice phương Đông". Tuy nhiên, sự phát triển đô thị ồ ạt đã khiến nhiều kênh rạch trở nên ô nhiễm trầm trọng. Hàng loạt tuyến kênh rạch bị "bức tử" bởi rác thải, nước thải và lục bình dày đặc, không chỉ đe dọa sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố.
Dù đối mặt nhiều thách thức, TP HCM vẫn kiên trì cải tạo hệ thống kênh rạch với hàng loạt dự án lớn, mang tính chiến lược. Mới đây, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm - dài 8 km, chảy qua quận Gò Vấp và Bình Thạnh - đã được khởi động với tổng vốn đầu tư hơn 17.220 tỉ đồng, kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt khu vực. Trong khi đó, giai đoạn 2 dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên - dài hơn 32 km, đi qua nhiều quận, huyện - với tổng vốn đầu tư 8.200 tỉ đồng được chờ đợi sẽ giúp giảm ngập, kết nối giao thông và phục vụ gần 2 triệu người dân.
Trước đó, nhiều dự án cải tạo kênh rạch khác, như Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè… đã được thực hiện. Dù vậy, điều đáng lo ngại là tình trạng tái ô nhiễm sau cải tạo. Dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm với vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng nhưng sau vài năm cải tạo, rác lại xuất hiện, nước lại đen đặc, bốc mùi hôi thối. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi cải tạo một thời gian vẫn còn tình trạng cá chết và rác thải trôi nổi khi mưa lớn…
Một rào cản không nhỏ trong quá trình cải tạo kênh rạch là việc di dời hàng chục ngàn hộ dân. TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn tất việc di dời, tái định cư toàn bộ người dân sống trên và ven kênh rạch nhằm chỉnh trang đô thị, khai thông dòng chảy, cải thiện môi trường và khai thác quỹ đất phát triển kinh tế.
Không dừng lại ở chuyện nạo vét, làm sạch dòng chảy, các dự án cải tạo kênh rạch còn được tích hợp việc xây dựng công viên, đường giao thông, bến thuyền, hệ thống chiếu sáng... Không gian ven kênh nếu được quy hoạch hợp lý có thể trở thành hành lang sinh thái, không chỉ góp phần cải thiện môi trường mà còn tạo điều kiện phát triển du lịch, nâng cao giá trị bất động sản và chất lượng sống đô thị. Đây chính là hướng đi bền vững trong quá trình phát triển hạ tầng xanh của thành phố.
Từ "kênh đen" đến "hành lang sinh thái" - một hành trình dài nhưng xứng đáng. TP HCM đang từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành một đô thị đáng sống, thân thiện với môi trường và hướng đến phát triển bền vững. Những dự án cải tạo kênh rạch còn góp phần kiến tạo lại những "mạch xanh" cho thành phố, nơi thiên nhiên và con người tồn tại hài hòa. Với quyết tâm và tầm nhìn dài hạn, TP HCM hoàn toàn có thể biến các tuyến kênh rạch ô nhiễm thành những biểu tượng xanh, sạch, đẹp và đáng tự hào trong tương lai gần.