Khẳng định vị thế

Nông sản Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vàng khi liên tục có thêm các mặt hàng mới được mở cửa vào các thị trường lớn.

 Gần đây nhất là việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu tổ yến thô, cám gạo, ớt và chanh leo, đánh dấu bước tiến mới vào thị trường gần 1,5 tỉ dân.

Thực tế, ớt và chanh leo trước đó đã được xuất khẩu sang Trung Quốc theo diện thí điểm. Tuy nhiên, khi chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư, giá trị hai mặt hàng này dự kiến có thể tăng gấp đôi, ước đạt 400 - 500 triệu USD mỗi năm. Dù chưa chạm ngưỡng "tỉ đô" nhưng việc gia tăng chủng loại hàng xuất khẩu là tín hiệu tích cực, cho thấy nông sản Việt ngày càng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Nhìn tổng thể, tiềm năng tăng trưởng của ngành rau quả Việt Nam vẫn còn rất lớn. Trong quý I/2025, dù kim ngạch xuất khẩu đạt 1,16 tỉ USD - giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước do các vấn đề kỹ thuật với sầu riêng tại Trung Quốc - nhưng nhiều thị trường lớn khác vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ: Mỹ tăng 65%, Nhật Bản tăng 23%, Úc tăng 9,4%, UAE tăng 24%...

Việt Nam có lợi thế lớn về nguồn cung rau quả phong phú, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới đang được ưa chuộng trên toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức lớn nằm ở việc đáp ứng được những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu. Để rau quả Việt có thể "xuất ngoại" thành công, yếu tố then chốt là phải bảo đảm chất lượng - ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm - và giữ được mẫu mã trong suốt quá trình vận chuyển.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là công nghệ sau thu hoạch còn nhiều hạn chế. Không ít mặt hàng rau quả tươi phải vận chuyển bằng đường hàng không để giữ chất lượng, khiến chi phí cao và sản lượng bị bó hẹp. Đã đến lúc cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước trong việc nghiên cứu và phát triển giống cây có thời gian bảo quản dài hơn, chất lượng đồng đều hơn, đồng thời đầu tư cho công nghệ bảo quản và logistics hiện đại. Trong trường hợp công nghệ trong nước chưa đáp ứng được, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ tiên tiến, đi kèm với ưu đãi về tín dụng và thời gian hoàn vốn hợp lý.

Hiện nay, thị trường EU có giá trị nhập khẩu rau quả lên tới 500 tỉ USD/năm nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được hơn 300 triệu USD. Tương tự, Mỹ nhập khẩu khoảng 60 tỉ USD/năm, trong khi kim ngạch của Việt Nam chỉ đạt khoảng 360 triệu USD. Nguyên nhân chính vẫn là hạn chế trong công nghệ bảo quản, khiến rau quả Việt khó cạnh tranh tại các thị trường xa, yêu cầu tiêu chuẩn cao.

Trong khi tiếp tục cải thiện công nghệ và chất lượng sản xuất, giải pháp khả thi trước mắt là khai thác tối đa các thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN… không chỉ vì lợi thế địa lý giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, mà còn bởi các thị trường này đều đã ký FTA với Việt Nam, mang lại ưu đãi lớn về thuế quan.

Cuối cùng, bài toán trọng tâm cho ngành rau quả Việt Nam vẫn là nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn - từ chất lượng sản phẩm, công nghệ bảo quản đến đa dạng hóa thị trường - để vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường chủ lực. 

Ngọc Ánh (ghi)