Khát vọng vươn xa hơn
Nhờ sự chung sức, đồng lòng, người dân đã cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa bỏ mặc cảm, xây dựng đất nước.
Tự hào là thành phố mang tên Bác, vinh dự được 3 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM sẽ viết tiếp những trang mới rạng rỡ hơn
50 năm qua, TP HCM đã kiên cường, năng động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng nên một thành phố đầu tàu, phát triển và hội nhập. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TP HCM được kỳ vọng vươn xa, khẳng định vị thế mới trong khu vực và thế giới.
Vượt qua thử thách
Trong niềm hân hoan đón chào ngày đại lễ, ký ức về thời khắc kết thúc chiến tranh, về cuộc trùng phùng và những thử thách sau cuộc chiến mà thành phố phải đối diện như được sống lại.
Đó là những thử thách chưa từng có như thiếu ăn, thiếu việc làm, thiếu nguyên vật liệu cho sản xuất… trong điều kiện bị bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước và những rào cản của cơ chế quan liêu, bao cấp không còn phù hợp… mà thành phố đã kiên cường vượt qua với tinh thần tự cứu mình, với khí thế cách mạng và niềm tin ở tương lai.
Chuyện "xé rào" trong sản xuất, trong phân phối lưu thông hàng hóa tuy khiến thành phố phải gánh chịu nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, song thực tiễn sinh động của thành phố đã có sức thuyết phục lớn. Nhiều cách làm sáng tạo, "bung ra" trong thực tế được ghi nhận như những bước đột phá đầu tiên của tiến trình đổi mới.
Trước cảnh người dân thành phố lần đầu tiên phải ăn độn khoai sắn, bo bo, có lúc ăn độn đến 90% dù ở sát vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo thành phố phải lo việc "chạy gạo" cứu đói cho gần 4 triệu dân.
Đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ - đã "bật đèn xanh" cho Tổ thu mua lúa gạo do bà Ba Thi phụ trách về đồng bằng sông Cửu Long mua lúa gạo theo giá thị trường (3 đồng/kg lúa, trong khi giá quy định là 5 hào).
Khi bà Ba Thi được gọi ra Trung ương báo cáo, đồng chí Võ Văn Kiệt nói: "Chị cứ đi đi, nếu vào tù, tôi sẽ mang cơm cho chị". Việc làm của thành phố được Trung ương ghi nhận, tạo tiền đề phá bỏ thế cô lập "ngăn sông, cấm chợ" trong phân phối lưu thông…
Để vực dậy sản xuất, lãnh đạo thành phố đã cho phép các cơ sở sản xuất chủ động khai thác nguyên vật liệu thay vì chờ phân phối, được liên kết, hợp tác với các tỉnh, được thực hiện kế hoạch 3 phần - 3 lợi ích (nhà nước, doanh nghiệp, người lao động), trả lương theo sản phẩm cùng với việc tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.
Để tăng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, có lúc thành phố phải mượn tài sản, vàng của dân để đổi USD nhập nguyên vật liệu. Mặc dù bị bao vây, cấm vận nhưng thành phố đã tổ chức được các hoạt động xuất nhập khẩu từ việc cho phép các đơn vị móc nối, trao đổi hàng hóa với các cơ sở làm ăn trước đây với các nước trong khu vực, qua đường biển từ phao số 0…
Với tất cả nỗ lực, những năm đầu thập niên 1980 trở đi, kinh tế của thành phố bắt đầu phát triển, tỉ trọng công nghiệp chiếm hơn 30% tổng sản lượng công nghiệp cả nước.
Thực tiễn sinh động của TP HCM giúp hình thành đường lối đổi mới của Đảng và cũng là cơ sở cho sự ra đời các đạo luật thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, nghèo kém phát triển.

Một góc khu vực sông Sài Gòn - bến Bạch Đằng - cầu Ba Son, làm nên nét đẹp hiện đại cho TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Rạng rỡ vai trò đầu tàu
Khi có đường lối đổi mới, thành phố đã huy động được nguồn lực, tăng tốc phát triển và là nơi thực hiện xã hội hóa thành công trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Các chỉ số về quy mô kinh tế, năng suất lao động, đóng góp cho ngân sách quốc gia đều ở mức cao. Từ năm 1986 đến 2010, tốc độ tăng trưởng của thành phố đều đạt bình quân trên 10%.
Nhiều mô hình trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng được triển khai và hoạt động hiệu quả. Việc xây dựng khu chế xuất - khu công nghiệp tập trung, Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TP HCM… mang lại những bước tiến mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đi vào chiều sâu và có những đóng góp tích cực vào tăng năng suất lao động, chuyển đổi số, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Là đô thị sớm được quy hoạnh và phát triển theo kiểu phương Tây, 50 năm qua, TP HCM tiếp tục phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc. Các khu đô thị mới được quy hoạch gắn với khu vực trung tâm hiện hữu, mở đầu là khu Nam Sài Gòn với điểm nhấn là khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Các tuyến đường được xây dựng và mở rộng như Nhà Bè - Cần Giờ, xa lộ Hà Hội, đường Nguyễn Văn Linh, đường Võ Văn Kiệt, hầm qua sông Sài Gòn, cùng với các cây cầu qua sông Sài Gòn được xây dựng. Các tuyến metro được quy hoạch và tuyến số 1 đã vận hành thương mại. Việc chỉnh trang đô thị gắn với cải tạo môi trường được thực hiện như giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch ở nhiều tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm… góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố.

Chất lượng sống của cư dân đô thị TP HCM ngày càng được nâng cao Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhờ sự chung sức, đồng lòng, người dân đã cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa bỏ mặc cảm, xây dựng đất nước. Những phong trào "xóa đói giảm nghèo", xây dựng "nhà tình nghĩa", "nhà tình thương", "ánh sáng văn hóa"… được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Các nhân sĩ, trí thức hỗ trợ công nhân, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Hàng vạn người trẻ tham gia thanh niên xung phong cùng các phong trào xung kích, tình nguyện… góp sức trẻ xây dựng thành phố.
TP HCM là nơi hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, THPT và phổ cập giáo dục mầm non sớm. Đây cũng là nơi có những đột phá trong nâng cao chuẩn phổ cập và mạnh mẽ thí điểm phương pháp giáo dục mới, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nơi có hơn 70 trường đại học, cao đẳng, viện đào tạo, trong đó Đại học Quốc gia được xem là mũi nhọn, có tới 15 chuyên ngành trong tốp 500 của thế giới.
Mạng lưới y tế TP HCM không ngừng phát triển, với 133 bệnh viện, có gần 21 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân, đang củng cố 3 tuyến chăm sóc (sức khỏe ban đầu, căn bản và chuyên sâu), sẽ tiếp tục khẳng định chất lượng khám chữa bệnh, phấn đấu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Chính nhờ sự đồng lòng, chung sức, TP HCM đã vượt qua thử thách hiểm nghèo của đại dịch COVID-19.
Thu nhập bình quân đầu người từ 65 USD (năm 1975), đến cuối năm 2024 GRDP bình quân đầu người của TP HCM là 7.758 USD. Từ tỉ lệ hộ nghèo vào năm 1986 là 60%, đến nay TP HCM đã cơ bản hoàn thành việc xóa nghèo theo chuẩn đa chiều, cuộc sống của người dân không ngừng nâng lên, cùng môi trường chính trị - xã hội ổn định, trật tự - an toàn xã hội bảo đảm, tạo điều kiện ổn định cuộc sống của người dân và môi trường đầu tư, phát triển thuận lợi.
Lên tầm cao mới
Trong quá trình phát triển, thành phố luôn quan tâm phát huy phẩm chất, nét đẹp văn hóa, con người thành phố. Đó là tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và khả năng thu hút nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển.
Nhiều thành tựu TP HCM đạt được 50 năm qua trên tất cả lĩnh vực đã khẳng định yếu tố cứng và cả sức mạnh mềm của văn hóa, con người thành phố. Giờ đây, thành phố đang tăng tốc thực hiện những dự án tồn đọng, khẩn trương triển khai những dự án tầm cỡ như trung tâm tài chính, cảng trung chuyển quốc tế và quyết liệt khai thông điểm nghẽn…
Theo quyết định của Trung ương Đảng, không gian TP HCM được mở rộng, đây được xem là cơ hội lớn, chắp cánh cho thành phố vươn lên tầm cao mới, sánh vai với các thành phố trong khu vực và thế giới. Cùng những chuyển động lớn của cả nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, tất cả đang thúc giục thành phố thực hiện những mục tiêu đầy khát vọng.