Khi người bảo vệ công lý lạc lối
Từ người thực thi luật pháp thành bị cáo, bước trượt dài của các cựu cán bộ công an để lại vị đắng nơi pháp đình
Hai phiên tòa do TAND TP HCM xét xử, cách nhau 2 buổi sáng, cùng chung 1 dư vị nghẹn ngào đến đắng lòng. Không phải vì tội nặng, án cao mà vì những bị cáo đều từng là những người được trao gửi sứ mệnh bảo vệ công lý.
Từ câu "Giờ muốn thế nào?" đến 6 năm sau song sắt
Phiên tòa thứ nhất, xét xử bị cáo N.H.C, 34 tuổi, cựu cán bộ cảnh sát hình sự. Phòng xử hôm ấy không đông. Ghế dự khán trống đến quá nửa. Một vụ án sơ thẩm nhỏ, không ồn ào, không ống kính máy quay, không tiếng xì xào của những người tò mò.
N.H.C đứng trước bục khai báo. Đầu C. cúi thấp. Hai bàn tay đan vào nhau, cố giấu đi sự run rẩy. Bộ quần áo sẫm màu không che được dáng người từng quen với quân phục. Màu áo cũ đã trả lại cho ngành, bảng tên cũng không còn, chỉ có ánh nhìn như lạc lõng giữa căn phòng mà C. từng quen thuộc với tư cách khác - tư cách của người bảo vệ pháp luật.
Chỉ vài tháng trước, C. vẫn còn là người cán bộ tổ tuần tra đặc nhiệm, mỗi đêm căng mình trên các tuyến đường ở TP Thủ Đức. Nhưng đêm tháng 7-2023, mọi thứ trật khỏi quỹ đạo.
Một người đàn ông tên N. bị đưa về trụ sở công an phường vì không mang theo giấy tờ. N. đã khai mình đang hành nghề cho vay lãi nặng. Tổ trưởng giao 3 cán bộ, trong đó có C., tiếp tục xác minh thêm địa điểm liên quan.
"Giờ muốn thế nào?". Câu hỏi như lửng lơ giữa 2 người đàn ông, nhưng rõ nghĩa hơn bất kỳ biên bản nào. Trong bối cảnh đó, ở nơi đó - đó không còn là lời dò hỏi. Mà là một tín hiệu. Một cái gật đầu cho những điều không nên có. N. đáp lại: "Em có thể xoay được 100 triệu".
C. không phản đối, không báo cấp trên, không lập hồ sơ, thay vào đó, C. đưa điện thoại cho N. gọi về nhà. Rồi cả 2 cùng rời trụ sở đi "lo việc". Chẳng còn điều tra, chẳng còn công vụ, chỉ còn lại 1 cuộc trao đổi sơ sài mà hậu quả để lại là một cuộc đời dở dang. N. giao đủ tiền. C. nhận. Rồi quay lại trụ sở. Cuộc "mặc cả" khép lại nhưng hậu trường thì đổ bể.
Khi mọi chuyện vỡ lở, C. nộp lại tiền, tự thú, không biện minh. Nhưng tự thú không làm nhẹ đi bản án mà pháp luật dành cho người bảo vệ nó rồi quay lưng lại.
Phiên tòa diễn ra chóng vánh. Không nhiều tranh luận. Mọi thứ như đã an bài. Khi chủ tọa tuyên mức án 6 năm tù về tội "Nhận hối lộ", không ai bất ngờ. Có chăng, chỉ là sự im lặng của bị cáo, im lặng đến đau lòng.
"Giờ muốn thế nào?", câu hỏi ấy, hôm nay không còn được phép lựa chọn. Muốn hay không muốn, 6 năm tù là cái giá phải trả. Nhưng có những mất mát không đo được bằng ngày tháng sau song sắt. Đó là chiếc bảng tên từng đeo trên ngực áo, là những buổi liên hoan đơn vị không còn ai nhắc đến C., là ánh mắt của con sẽ lớn lên với những câu hỏi về một quá khứ không ai muốn kể.
Trên bàn thư ký, hồ sơ đã được gấp lại. Người ra về không ngoái đầu. Nhưng ở phía bục khai báo, C. vẫn đứng đó rất lâu như thể không nỡ bước xuống. Như thể, C. vẫn còn chờ ai đó bảo rằng: "Đây chỉ là hiểu lầm". Chỉ tiếc, không ai nói câu ấy. Và cũng không còn cơ hội để nghe nữa.

Ảnh minh họa AI bị cáo N.H.C tại tòa
Người hiểu luật, người vẽ "mê cung" sai phạm
Phòng xử án của phiên tòa thứ 2 đông đến ngợp. Ghế chật, người đứng, người ngồi. 26 bị cáo, mỗi người một ánh nhìn, một câu chuyện phía sau mà hồ sơ dày cộp không thể kể hết. Giữa hàng dài những con người ấy, có 1 người đàn ông trung niên, ngồi cúi nhẹ, tay vân vê mép giấy trước mặt, lặp đi lặp lại suốt nhiều giờ đồng hồ. Tên là H.D.T, cựu cán bộ phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu.
Có người bảo: "Ảnh lanh lẹ, hiểu luật, nói đâu ra đó, xử lý vụ việc nhanh mà chắc". Mấy năm trước, người như T. xuất hiện trong các cuộc họp chuyên đề, chỉ ra từng lỗ hổng trong quản lý xuất nhập khẩu như đang đọc một cuốn sách quen. Không ai nghĩ, một ngày, T. lại dùng chính những lỗ hổng đó để vẽ nên một mê cung sai phạm và T. là người dẫn đường.
Một bị cáo nữ xin phát biểu, giọng như sắp tắt: "Thưa tòa… thật ra ban đầu tụi con nghĩ chỉ là giúp anh T. làm thủ tục…". Tòa không ngắt lời nhưng sự im lặng ấy như dội ngược. Có những câu nói, không cần bác bỏ bởi sự phi lý đã hiển hiện rõ trong chính lời biện minh.
Chuyện buôn lậu, với nhiều người, nghe quen tai đến mức… hóa thường. Nhưng cái cách nó xảy ra trong vụ án này, lại vừa tinh vi vừa đời thường đến rợn người. Bị cáo là người hiểu luật và cũng là người biết cách bẻ cong nó. Biết rõ rằng máy móc đã cũ mười mấy năm thì không được nhập, vậy mà vẫn cho chỉnh sửa năm sản xuất, sửa luôn cả trị giá để né thuế. Biết hàng hóa chưa giám định không được lưu thông, vậy mà vẫn cho xe chở hàng về thẳng kho của chủ hàng.
Mỗi container được "xử lý" với giá từ 78 đến 90 triệu. Mỗi chứng thư giám định "đặt hàng từ xa" chỉ tốn hơn 3 triệu đồng. Một bản giấy, được in ra từ phòng lạnh máy điều hòa, lại có thể khiến cả lô hàng trở nên "hợp pháp". Trong giờ nghị án, 1 luật sư trẻ ngồi ghé vào hàng ghế bên ngoài, nói nhỏ với người thân bị cáo: "Lúc đầu T. đâu có định làm bậy. Chỉ là… 1 lần thấy lọt, rồi cứ thế đi tiếp…". Đúng vậy, lỗi lớn nhất, đôi khi bắt đầu bằng 1 lần nghĩ rằng "không sao đâu".
HĐXX trở lại, bản án được đọc ra bằng giọng đều, không cao trào nhưng… rất nặng: 12 năm tù cho H.D.T. Một tiếng "xong rồi" vang lên rất khẽ từ dãy ghế phía sau. Có lẽ là từ người nhà bị cáo. Cũng có thể là 1 tiếng thở ra hay tiếng lặng đi trong lòng một ai đó không biết phải gọi cảm xúc là gì.
Khi bị dẫn giải ra xe, T. quay đầu lại. Ánh mắt T. lướt qua dãy người dự khán, những người có thể từng là cấp dưới, cấp trên, hay chỉ là những người quan sát như các phóng viên. Ánh nhìn như thể muốn khép lại một đoạn đời mà có lẽ, từ chính sâu trong tim mình, T. cũng không rõ nó rẽ sai từ bao giờ.