Khi yêu thương quay về

Liệu việc giữ chút ngây thơ trong vòng tay cha mẹ có đáng xấu hổ, hay đó chính là món quà quý giá giữa một xã hội ngày càng xa cách vì áp lực trưởng thành?

Gần đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại khoảnh khắc một cô gái ngoài 20 tuổi "nũng nịu" với cha mẹ sau giờ tan làm. Chỉ trong thời gian ngắn, clip thu hút hơn 6,3 triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận xoay quanh cách thể hiện cảm xúc của người trưởng thành. Có người khen dễ thương, người lại chê… "trẻ con quá".

Hạnh phúc giản đơn

Trong đoạn clip gây sốt, cô gái bước vào nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, cất tiếng chào "nũng nịu": "Hello bố, bố chưa ngủ hả?", liền được bố đáp lại trìu mến: "Phải chờ con gái về chứ. Đi làm có vui không con? Ăn gì chưa?". Mẹ cô cũng bước ra, ôm lấy con, dịu dàng hỏi: "Em bé về rồi hả?", rồi ngồi xuống xoa bóp chân cho con khi nghe than đau vì mang giày cao gót. Người mẹ còn trách yêu: "Đi không quen, thế mà hôm qua còn đòi lấy đôi 9 phân!".

Bên dưới bài đăng là hàng ngàn bình luận bày tỏ cảm xúc trái chiều. Nhiều người ngưỡng mộ, cho rằng "lớn rồi mà vẫn được cưng chiều như thế là hạnh phúc nhất". Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cô gái thiếu chín chắn, giả tạo, thậm chí "làm màu".

Tuy vậy, không ít người đồng cảm, xem đó là sự gắn kết hiếm có trong một gia đình ấm áp. Tài khoản Hồng Hạnh (26 tuổi, TP HCM) kể: "Hồi nhỏ ba mẹ làm công nhân, đi sớm về khuya nên mình lớn lên chủ yếu với ông bà nội. Bây giờ mỗi lần về nhà là mình như trẻ con. Mình thích đút trái cây cho mẹ, xoa bóp cho ba, nói chuyện líu lo như đứa con nít. Mấy đứa bạn thì chọc "trẻ con quá" nhưng mình thấy điều đó quý lắm".

Khi yêu thương quay về - Ảnh 1.

Ảnh minh họa AI: TRẦN THÁI

Ngược lại, không ít người trẻ lại rất yêu thương cha mẹ nhưng khó mở lời thể hiện. Anh Phạm Anh Tuấn (22 tuổi, sinh viên, TP HCM) nhìn nhận: "Mình chưa bao giờ nói "con yêu ba mẹ", cũng không quen với việc ôm hay nắm tay. Ngại lắm, sợ bị chọc là sến súa". Sinh ra trong một gia đình ít bộc lộ cảm xúc, Tuấn dần quen với sự lặng lẽ trong tình thân. Ngay cả khi xa nhà lên đại học, những cuộc gọi về nhà của anh cũng chỉ dừng ở vài câu hỏi về việc học hành, ăn uống.

"Một lần giảng viên đại học kể chuyện con gái cô ấy. Cô bé rất ít khi thể hiện tình cảm nhưng trong ngày 8-3 năm đầu tiên đi du học, cô gọi về bảo mẹ xuống nhận hàng giúp. Hóa ra là một bó hoa hồng rất lớn kèm theo một tấm thiệp. Cô đã hạnh phúc đến rơi nước mắt. Mình nghe mà cứ day dứt mãi, định bụng sẽ làm điều tương tự với mẹ, nhưng rồi lại chần chừ…" - Tuấn kể.

Phải đến khi mẹ nhập viện vì huyết áp cao, anh mới lần đầu tiên nắm tay mẹ. Cái nắm tay muộn màng khiến tim anh thắt lại: "Chỉ ước giá như mình đủ dũng cảm để thể hiện điều đó sớm hơn". Không riêng Tuấn, nhiều người trẻ cũng thừa nhận từng muốn thể hiện tình cảm với cha mẹ nhưng rồi lại chùn bước chỉ vì… ngại.

Trân quý tình cảm gia đình

Trái với suy nghĩ "cha mẹ Việt nghiêm khắc, không quen con nịnh", nhiều bậc phụ huynh lại xúc động khi con cái, dù đã lớn, vẫn dành cho mình sự dịu dàng, thân mật.

Bà Ngô Thị Tám (63 tuổi, TP HCM) tâm sự: "Tôi có ba đứa con nhưng thằng út là hay thể hiện tình cảm nhất. Nó 27 tuổi rồi mà mỗi lần về là xoa đầu mẹ, gác chân lên mẹ, lại còn trêu chọc: "Mẹ nấu cơm ngon nhất thế giới'. Nghe thấy vui trong lòng lắm. Mình làm cha mẹ, có đứa con biết thương, biết bày tỏ, đâu phải dễ".

Bà cho biết thế hệ trước vốn kiệm lời yêu thương. Chính bà cũng chưa từng nói "Con yêu mẹ" với cha mẹ mình và ngược lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là không cần được yêu thương, hoặc không mong mỏi một cái ôm từ con.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn (54 tuổi, TP HCM), làm bác sĩ, bận rộn suốt ngày nhưng rất thích khi con "làm nũng " mỗi lần cả nhà tụ họp.

"Càng lớn càng quý những điều tưởng chừng giản đơn như thế. Giữa xã hội đầy áp lực, vẫn giữ được sự hồn nhiên khi trở về bên cha mẹ là một đặc ân. Hãy trân trọng điều đó!".

Nếu bạn vẫn còn "nũng nịu" trong vòng tay cha mẹ, đừng xấu hổ. Hãy xem đó là một đặc ân. Bởi không phải ai cũng còn cơ hội để thể hiện điều giản dị ấy. 

"Nhõng nhẽo" không có nghĩa "kém trưởng thành"

Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng khẳng định hành vi "nhõng nhẽo" không có nghĩa là chưa trưởng thành. Đó là biểu hiện của mối quan hệ lành mạnh trong gia đình.

Theo ông Thắng, con người ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có nhu cầu được yêu thương, vỗ về. "Nếu một đứa trẻ lớn lên trong môi trường đủ đầy cảm xúc, chúng sẽ không ngại ngần thể hiện tình cảm với người thân, dù bằng cách trẻ con hay tinh nghịch. Vấn đề là xã hội hiện đại lại gán trưởng thành với sự mạnh mẽ, kiềm chế cảm xúc. Điều đó dễ khiến người trẻ hiểu sai về cách bày tỏ yêu thương trong gia đình" - ông Thắng nói.