Căn bệnh mang tên “ma cà rồng”

Nhiều người trong chúng ta đã được nghe chuyện ma cà rồng, và không ít người yếu bóng vía đã "dựng tóc gáy" vì những chuyện ma quái này. Chuyện về một giống ma hút máu có tên “ma cà rồng", tiếng Pháp gọi là Vampire, được truyền tụng và viết trong nhiều cuốn sách của các nước châu Âu từ những thế kỷ trước.

Trong sách Những câu chuyện của giới cung đình (Contes des courtisanes) phát hành năm 1180, tác giả Cautier-Map kể nhiều chuyện về ma cà rồng rất ghê rợn, như chuyện một người hung ác xứ Galles đã chết từ lâu, bỗng đêm đêm sống lại trở về gọi tên từng người quen và hút máu họ đến chết.

Năm 1746, Dom Augustin Calmet xuất bản quyển sách bàn về Những hiện tượng ma quỷ và ma cà rồng cho biết ở nhiều nước như Hungary, Moravie, Silesie, Ba Lan... nhiều người được mục kích nhưng người chết từ lâu bỗng đội mồ trở về, cắn xé, hút máu những người thân của chúng.

Đến thế kỷ 19, truyện viết về ma cà rồng càng nhiều và trở thành một đề tài văn học. Nhiều truyện và tiểu thuyết viết về loại ma hút máu này, được nhắc đến nhiều là cuốn tiểu thuyết của Mary Shelly viết năm 1818, cuốn Ma cà rồng (The vampire) của Polidori viết năm 1817, cuốn Carmilla kể chuyện một phụ nữ hút máu của Josept Sheridan Le Fanu xuất bản năm 1872.

Nổi tiếng nhất là cuốn Dracula của nhà văn Bram Stoker viết năm 1897. Câu chuyện ma quái với nhiều cảnh ly kỳ rùng rợn đã lôi cuốn bạn đọc mạnh mẽ và cuốn Dracula trở thành một tác phẩm nổi tiếng nhất trong các loại truyện viết về ma quỷ từ trước đến nay, làm đề tài cho nhiều bộ phim điện ảnh của thế kỷ 20. Tới những năm 60 của thế kỷ 20 vừa qua, hàng loạt phim Dracula đã ra đời do tài tử Christopher Lee đóng vai chính được chiếu rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới kể về huyền thoại của giống ma hút máu này.

Cho đến nay, trên thế giới ít ai còn tin vào chuyện người chết sống lại đêm đêm tìm hút máu người nữa, nhưng chuyện ma cà rồng làm người ta liên hệ đến một căn bệnh rất kỳ quặc: Bệnh ma cà rồng.

Bệnh ma cà rồng tuy hiếm gặp, nhưng là chuyện có thật. Hằng năm, y văn thế giới vẫn đề cập đến một số trường hợp mắc bệnh này, từ nhẹ đến nặng.

Một đặc điểm nổi bật của bệnh này là bệnh nhân rất thích máu. Sự quan tâm đặc biệt đến máu của người bệnh, những rối loạn nhận thức về bản thân và sở thích bệnh hoạn về cái chết khiến người bệnh có những hành động kỳ quái, ghê tởm, như thích uống máu, thích nhìn máu chảy, thích giao hợp với xác chết... nhìn hiện tượng bên ngoài không khác với những truyền thuyết về ma cà rồng là bao.

Trong những trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh vẫn có hiện tượng thích máu rõ rệt. Có người bệnh trong lúc ân ái đã cắn người bạn tình đến chảy máu và thỉnh thoảng uống những dòng máu ấy để đạt cực điểm khoái lạc. Có người đã tìm khoái lạc bằng cách nhìn máu mình chảy vào ống tiêm.

Năm 1980, một nhà tâm thần học đã kể lại trường hợp lạ lùng của một bệnh nhân thích chọc thủng tĩnh mạch của mình rồi dùng kính soi ngắm nghía dòng máu chảy ra; hoặc chọc thủng tĩnh mạch ở tay, hứng những giọt máu vào miệng uống.

Một nhà tâm thần học khác kể lại trường hợp của một nữ bệnh nhân tồn trữ máu của mình trong lọ, khi nào thấy tinh thần căng thẳng, chị ta lại lấy lọ máu ra ngắm nghía và tình trạng căng thẳng dịu lại...

Những dạng bệnh nhân trên đã được ghi nhận ở các phòng khám bệnh khoa tâm thần học và các bệnh viện tâm thần.

Như vậy, trong thực tế có một căn bệnh làm người bệnh rất thích máu, được tạm gọi là bệnh "ma cà rồng". Bệnh này hiếm gặp và thuộc lĩnh vực bệnh tâm thần, không liên quan gì đến các chuyện ma quái, rùng rợn của những con ma cà rồng trong truyền thuyết.