Cực đẹp mà lại cực độc!

(NLĐO) - Các nhà khoa học vừa phát hiện ra đôi cánh “đẹp mê hồn” của một loài bướm châu Á lại chứa chất độc có khả năng gây tê liệt thần kinh kẻ săn mồi.

img
Đôi cánh mong manh tuyệt đẹp này có thể giết chết đối thủ trong chớp mắt
 
Loài bướm châu Á Hebomoia glaucippe mang trên mình một đôi cánh trắng “thiên thần”, phía trên đầu đôi cánh đó lại được bao phủ bởi màu đỏ cam rực rỡ.
 
Tuy nhiên, màu sắc bắt mắt này chứa chất độc có khả năng gây tê liệt thần kinh, thậm chí giết chết những kẻ săn mồi.

Các nhà nghiên cứu cho biết loại chất độc trên cánh bướm Hebomoia glaucippe mang tên glacontryphan-M, cũng chính là vũ khí của loài ốc biển ăn thịt Conus marmoreus.
 
Trong khi loài ốc biển Conus marmoreus chuyên bơm chất độc vào cơ thể con mồi khiến thịt của chúng biến thành dịch lỏng rồi hút thì loài bướm xinh đẹp Hebomoia glaucippe chỉ dùng chất độc để tự vệ.
 
Với đôi cánh bắt mắt, bướm Hebomoia glaucippe là đối tượng săn đuổi của chim, kiến, bọ ngựa. Những kẻ săn mồi này rất thông minh, chúng luôn biết tránh xa đôi cánh tuyệt đẹp của loài bướm. Riêng tắc kè chuyên ăn "sạch sành sanh" con mồi thì dù đói thế nào cũng không dám động tới “nữ hoàng sắc đẹp” Hebomoia glaucippe .

Theo các nhà khoa học, những cánh bướm đầy chất độc đã được thu thập từ khu vực Đông Nam Á. Hiện giới nghiên cứu đang tìm hiểu nguyên nhân ốc biển Conus marmoreus và bướm Hebomoia glaucippe, hai loài động vật sống trong môi trường hoàn toàn khác biệt, lại mang chung một loại chất độc.