Đa dạng sinh học đang đứng trước nhiều thách thức
Môi trường sống của sinh vật ngày càng bị ô nhiễm và thu hẹp, nhiều hệ sinh thái suy thoái và mất dần. Giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại TPHCM đang được đặt ra như một yêu cầu cấp bách
Theo tài liệu nghiên cứu của TS Lê Huy Bá - Lâm Đình Uy, Viện Khoa học-Công nghệ và Quản lý Môi trường – Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, đa dạng sinh học tại TPHCM đang đứng trước nhiều thách thức.
Môi trường sống bị hủy hoại
Mỗi ngày, hệ thống sông, kênh rạch ở TPHCM phải tiếp nhận hơn 600.000 m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp chứa nhiều chất độc hại (nhất là kim loại nặng và hóa chất độc hại khó phân hủy), nhưng chỉ khoảng 60% trong số này được xử lý sơ bộ trước khi đưa vào hệ thống chung.
Các hộ dân sinh sống trên kênh rạch còn xả rác, lấn chiếm môi trường. Ô nhiễm đất cũng rất nguy hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, rác thải, phân bón hóa học... khiến môi trường sống của nhiều loài sinh vật, thực vật bị hủy hoại, làm thay đổi cả một hệ sinh thái.
Ô nhiễm không khí cũng gây bệnh đường hô hấp cho các loài động vật, gây hiện tượng mưa axít, làm chua đất, giảm độ pH, ảnh hưởng đến các sinh vật sống trong đất.
Riêng việc khai thác thủy hải sản còn theo kiểu tận diệt: dùng lưới mắt nhỏ, đánh bắt vào mùa sinh sản làm thành phần các loài thủy hải sản giảm đi nhanh chóng.
Những “sa mạc trắng”
Đa dạng sinh học là sự phồn thịnh của cuộc sống trên trái đất, của hàng triệu loài động vật, thực vật và vi sinh vật, những nguồn gien của chúng và các hệ sinh thái phức tạp đang tồn tại trong môi trường sống. |
Không gian sống của các loài sinh vật còn bị thu hẹp do tác động đô thị hóa nhanh và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm mất dần cân bằng hệ sinh thái. Có những “sa mạc trắng” do ruộng bị phèn phải bỏ hoang hóa. Ngay cả các vùng đệm sinh thái “hồ điều hòa tự nhiên” cũng bị san lấp, khiến vùng đa dạng sinh học thành vùng đất chết, xâm hại nghiêm trọng môi trường sống của sinh vật.
Một vấn đề đang được đặt ra là công tác quản lý đa dạng sinh học đang thiếu thốn đủ bề cả về công nghệ, tổ chức, chính sách... nên chưa đáp ứng việc giám sát, bảo vệ và phát triển sinh cảnh cho sinh vật.
Nâng cao chất lượng sống
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: Mặc dù chỉ chiếm diện tích 2% bề mặt trái đất, nhưng dân cư đô thị sử dụng 75% tài nguyên thiên nhiên của hành tinh. Hệ sinh thái và đa dạng sinh học là nguồn sống còn đối với đô thị.
Các hệ sinh thái đem đến cho cuộc sống con người 3 món quà: tài nguyên, điều hòa cải thiện khí hậu và phong phú hóa đời sống tinh thần. Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học và sức khỏe của hệ sinh thái đối với sự sống, nhiều đô thị có những sáng kiến để bảo tồn sinh thái một cách hiệu quả, như nghiên cứu xây dựng, bảo tồn mảng xanh, cảnh quan đô thị, xem xét chính sách sử dụng đất, quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời giảm thiểu và tránh tối đa các hoạt động đô thị hóa, phục hồi các khu tự nhiên bị tổn hại, sử dụng đất và các khoảng không gian mở, gắn phát triển các địa chỉ xanh với các hoạt động quảng bá du lịch, tạo những cảnh quan đặc thù thu hút khách trong và ngoài nước. Đó cũng là những tiêu chí mà TPHCM phải đạt đến để nâng cao chất lượng sống của cư dân.
Chế tài các hành vi xâm hại đa dạng sinh học Tại hội nghị góp ý dự án Luật Đa dạng sinh học do đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hôm 17-9, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo cần bổ sung phần chế tài xử phạt các hành vi xâm hại đa dạng sinh học. Theo TS Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường - Tài nguyên - ĐH Quốc gia TPHCM, các tổ chức, cá nhân có hoạt động gây tác hại cho môi trường, làm suy giảm đa dạng sinh học phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy Chữa cháy và các luật có liên quan; các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước nếu đưa ra những quyết định làm xâm hại đến khu bảo tồn đa dạng sinh học phải chịu xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đồng tình với việc cần thiết phải đưa nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào giảng dạy trong nhà trường nhằm giáo dục ý thức cho từng cá nhân ngay từ khi còn nhỏ. Thành lập một ngân hàng gien để bảo tồn những bộ gien quý hiện có ở nước ta cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Dự án này do Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng, là dự án luật đầu tiên của VN về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ các loài hoang dã. Hiện VN nằm trong danh sách 20 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới, nhưng mức độ đa dạng sinh học đang suy giảm nghiêm trọng. Th.Lê |