Đo đồng tử để xác định mức độ chấn thương
Khi chiếu ánh sáng vào mắt nạn nhân trong các vụ tai nạn, đồng tử sẽ phản ứng. Một thiết bị cầm tay dùng để đo mức độ co giãn của đồng tử sẽ giúp bác sĩ xác định chính xác mức độ chấn thương.
Tia hồng ngoại (trên hình là vạch đỏ) được chiếu vào mắt. Tia phản xạ của nó (vạch đỏ đứt quãng) sẽ bật tới camera, giúp xác định độ co giãn của đồng tử.
Thông thường, khi các nhân viên y tế đến hiện trường tai nạn, một trong những việc đầu tiên họ làm là chiếu ánh sáng vào mắt nạn nhân còn sống để xem phản ứng của đồng tử. Nếu chúng co giãn chậm có nghĩa là nạn nhân có thể bị trấn thương nặng tại vùng đầu. Sự chảy máu trong tạo ra áp lực tác động lên các dây thần kinh điều khiển phản ứng của mắt đối với ánh sáng.
![]() |
Tia hồng ngoại (trên hình là vạch đỏ) được chiếu vào mắt. Tia phản xạ của nó (vạch đỏ đứt quãng) sẽ bật tới camera, giúp xác định độ co giãn của đồng tử. |
Để đánh giá mức độ phản ứng của đồng tử, bác sĩ so sánh kích cỡ của chúng với một biểu đồ tiêu chuẩn và phân loại tốc độ thay đổi theo các mức nhanh, chậm và không thay đổi. Nhưng kỹ thuật này rất mất thời gian và không khách quan. Những thay đổi tức thì trong phản ứng của mắt là khó nhận ra, đặc biệt là khi việc đo đạc được thực hiện bằng tay và tiến hành vào những thời điểm khác nhau.
Máy đo đồng tử khắc phục được những hạn chế trên. Ông Alan Wenman, chuyên gia tại công ty Thiết bị y tế ở Essex, Anh, nơi đang chế tạo máy đo đồng tử, đã tiết lộ về các thành phần của máy. Chúng gồm 1 camera kỹ thuật số, 2 diot hồng ngoại, 1 bóng đèn thường, 1 bộ vi xử lý và 1 màn hình tinh thể lỏng.
Nguyên lý hoạt động của máy khá đơn giản. Đầu tiên, ánh sáng từ bóng đèn được chiếu vào mắt nạn nhân trong thời gian 1/5 giây để kích thích mắt. Đồng thời, tia hồng ngoại từ 2 diot hồng ngoại cũng được chiếu vào đồng tử và phản xạ tới camera. Mọi thay đổi của đồng tử trước, trong và sau khi chiếu ánh sáng vào mắt đều được ghi lại vì đồng tử không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng bước sóng hồng ngoại. Những hình ảnh này sau đó được chuyển tới bộ vi xử lý. Phần mềm xử lý hình ảnh sẽ nhận dạng đồng tử thông qua việc xác định vùng tối hình tròn (hoặc gần tròn) lớn nhất. Màn hình hiển thị những thay đổi đường kính của đồng tử trên một biểu đồ thể hiện sự biến đổi của kích thước theo thời gian.
Hình ảnh thu được có độ lớn phụ thuộc vào khoảng cách từ 2 diot tới mắt. Khoảng cách càng gần thì ảnh thu được càng lớn và ngược lại. Việc này giống như nhìn vào hai đèn ôtô qua một chiếc gương, xe càng tiến vào gần gương ta cảm thấy hai đèn càng xa nhau. Do đó, các kỹ sư đặt ra tỷ lệ kích thước cho các hình ảnh thu được.
Ưu điểm chính của thiết bị này là nó không tiếp xúc với cơ thể nạn nhân. Trên thị trường cũng có nhiều loại máy đo đồng tử khác, nhưng chúng hoặc là không thể xách tay được hoặc là phải dùng đến một dụng cụ có hình dạng giống cái chén chụp vào mắt. Vì lý do vệ sinh, người ta phải thay dụng cụ đó sau mỗi lần sử dụng. Do đó, các loại thiết bị này không thuận tiện để sử dụng tại hiện trường tai nạn. Với loại thiết bị mới, nhân viên y tế có thể lấy được các thông số chính xác về tình trạng chấn thương của nạn nhân để gửi tới bệnh viện.
Ngoài việc làm cho công việc của bác sĩ và nhân viên y tế trở nên dễ dàng hơn, thiết bị này sẽ cho phép họ xác định được những thay đổi rất khó nhận biết. Nhưng chính những thay đổi này có thể báo trước tình trạng đang xấu đi của nạn nhân.
Thiết bị này đã được cấp giấy chứng nhận bản quyền và sẽ được tung ra thị trường tại một hội chợ thương mại ở Düsseldorf, Đức, vào tháng 11 tới.