Khám phá hành tinh lùn

(NLĐO)- Giới thiên văn học đã đạt được những khảo sát bước đầu về hành tinh lùn Makemake, qua đó phát hiện hành tinh này không có bầu khí quyển.

Hồi tháng 4-2011, Makemake đi vào trong khoảng cách giữa trái đất và một ngôi sao ở xa mang tên Nomad 1181-0235723, tạo cơ hội khảo sát hành tinh lùn này.
Các nhà khoa học sử dụng 7 kính thiên văn được đặt tại Brazil và Chile, theo dõi cách ánh sáng ở ngôi sao đó bị thay đổi để tìm hiểu về Makemake.
img
Ảnh minh họa từ National Geographic
Nhóm nghiên cứu đã nhìn thấy Makemake che ánh sáng của ngôi sao nói trên trong khoảng 1 phút. Báo cáo khái quát mới  được công bố trên tạp chí Nature ghi nhận thông tin bước đầu về kích thước, tỉ trọng của hành tinh lùn này.
Theo đó, Makemake có kích thước bằng 2/3 diêm vương tinh, gần như hình cầu với chiều gang khoảng 1.500 km và  tỉ trọng 1,7 gam/cm3 (tương đương với diêm vương tinh nhưng kém 1/3 lần so với trái đất).
Hiện tượng Makemake che khuất ánh sáng làm ngôi sao nói trên biến mất và xuất hiện lại một cách đột ngột chứ không diễn ra dần dần khiến các nhà khoa học đoán chắc rằng Makemake không có bầu khí quyển.
Makemake cùng với 4 thiên thể khác được gọi là hành tinh lùn trong hệ mặt trời của chúng ta là diêm vương tinh (Pluto), Ceres, Eris và Haumea.
Thuật ngữ dwarf planet (tạm dịch là hành tinh lùn) được Liên hiệp Quốc tế Thiên văn học công nhận vào năm 2006 dùng để chỉ dạng thiên thể giống như hành tinh nhưng có điểm đặc trưng quan trọng nhất là dù chúng có trọng lực nhưng lực đó không đủ để định hình rõ quỹ đạo của chúng quanh một thiên thể khác.