Những quan niệm lớn về dưỡng sinh

Y - dược học Trung Quốc có tác dụng lớn lao đối với sự phát triển của y học nhân loại. Về mặt dưỡng sinh, Trung y có những nét độc đáo riêng biệt

Trong xã hội ngày nay, quan niệm về sức khỏe, mô thức y học, bệnh học đều có những thay đổi. Tổ chức Y tế Thế giới có định nghĩa mới về sức khỏe như sau: Sức khỏe là một trạng thái kết hợp hoàn mỹ giữa sinh lý, tâm lý, điều kiện thích ứng xã hội và đạo đức xã hội. Định nghĩa này nhấn mạnh 4 nội dung: sinh lý, tâm lý, xã hội và môi trường sống cần hòa hợp thống nhất. Ở thế kỷ 21, khái niệm về sức khỏe gồm 6 chữ hợp thành: kiện, khang, trí, lạc, mỹ, đức.

Đặc điểm lớn nhất của dưỡng sinh Trung y là nhấn mạnh sự hòa hợp giữa thiên nhiên với con người, hòa hợp toàn diện. Phương pháp thực hiện có nhiều, song về nguyên tắc có thể thu tóm lại 6 điểm sau đây:

1. Ứng thuận với thiên nhiên.- Tư tưởng cơ bản của dưỡng sinh Trung y là: Người và trời tương ứng, nói cụ thể: Người và thiên nhiên, xã hội giữ vững sự thống nhất và hòa hợp cao độ. Thiên nhiên có năm có mùa, có ngày tháng, đêm ngày. Quy luật chuyển động của vũ trụ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh lý và bệnh lý của người. Từ đó, nguyên tắc của dưỡng sinh là thuận theo quy luật của thiên nhiên. Nếu ta không thuận ứng với quy luật này tất sẽ phát sinh nhiều vấn đề cho sức khỏe. Trong một năm bốn mùa, cảm xúc tinh thần, sinh hoạt, ăn ngủ, hành động đều theo đó mà thay đổi, theo đó mà xác định phương pháp dưỡng sinh của từng mùa.

Ngày nay xã hội ngày càng văn minh hiện đại làm cho thiên nhiên bị tàn phá và ô nhiễm. Cho nên việc bảo vệ môi trường thiên nhiên là vấn đề càng trở nên hết sức quan trọng.

2. Phương pháp điều dưỡng tinh thần.- Tâm linh thư thái, lánh xa danh lợi, biết đủ thường vui. Xây dựng ý tưởng sống lành mạnh, đạo đức cao thượng, có cuộc sống đầy hy vọng và lạc thú là cơ sở tâm lý giữ vững sức khỏe.

- Tu thân dưỡng tính. Các danh y nhiều đời nhấn mạnh: Dưỡng sinh chớ quên dưỡng tính. Y học hiện đại nói rõ: Tính cách của người có quan hệ mật thiết với sức khỏe và bệnh tật. Người có tính tình rộng mở, thái độ lạc quan, tâm lý vững vàng khó mắc các bệnh tinh thần và mãn tính. Dù cho có mắc bệnh cũng dễ chữa trị, dễ bình phục. Tăng cường tu dưỡng tính cách, nâng cao tinh thần lạc quan, luôn có thái độ vui tươi đầy hy vọng. Xử thế rộng rãi với mọi người, thu xếp công việc của mình được hợp lý, tự nuôi dưỡng niềm hứng thú lành mạnh như đọc sách, đánh cờ, hội họa, âm nhạc v.v... Nhờ vậy mọi ưu phiền dễ dàng bị xóa tan, tinh thần thoải mái, thân thể khỏe mạnh.

- Tu dưỡng đạo đức. Người xưa cho rằng: Tu dưỡng đạo đức là một nội dung chủ yếu của dưỡng sinh, nhấn mạnh: Dưỡng tính chớ quên dưỡng đức. Khổng Tử dạy rằng: Đức nhuận thân, nhân dã thọ, đại đức tất đắc kỳ thọ (Đức đầy mình, người được thọ, đức lớn ắt sống lâu). Ngoài ra còn nên tham gia việc công ích xã hội góp phần vào đời sống cộng đồng. Có như vậy giá trị của mình được xã hội thừa nhận, nhiều bạn bè quen biết gần xa làm cho tinh thần và tâm lý mình được sảng khoái, đúng như lời người xưa: Nhân dã thọ (người có nhân được thọ).

- Gạt bỏ ưu phiền. Trong cuộc sống va chạm hằng ngày ắt có ưu phiền, biết gạt bỏ là một “nghệ thuật” hết sức cần thiết. Phép dưỡng sinh cổ đại rất chú trọng gạt bỏ mọi ưu phiền làm cho người ta trở lại cân bằng thư thái. Ưu phiền được xem như một loại chất độc tinh thần cần chắt lọc, loại trừ.

Nhận định: Lý luận và phương pháp dưỡng sinh của Trung y phù hợp với yêu cầu của mô thức y học hiện đại và nội hàm của khái niệm về sức khỏe. Đây là một vấn đề văn hóa, một nền giáo dục tri thức nhân văn, khoa học tự nhiên và xã hội.

3. Điều dưỡng qua chế độ ăn uống.- Muốn khỏe mạnh cần có kết cấu thức ăn phù hợp. Sách Hoàng đế nội kinh có ghi: Ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ thái vi sung, khí hòa nhi phục chi, dĩ bổ ích tinh khí (ngũ cốc nuôi sống, hoa quả trợ giúp, rau cỏ thêm vào, ăn uống điều hòa mà bổ ích tinh khí). Tư tưởng này có từ thời cổ đại song không hề lạc hậu ở thời hiện đại, trái lại có cơ sở khoa học sâu sắc. Thử vẽ một hình tam giác cân. Ở hai cạnh cân ta chia làm 5 bậc bằng nhau. Bậc cuối là lượng ngũ cốc người lớn dùng từ 300 g - 500 g/ngày. Bậc thứ 2 là rau quả, mỗi ngày dùng 400 g - 500 g. Bậc thứ 3 là cá, thịt, trứng (cá, tôm 50 g, thịt 50 g - 100 g, trứng 25 g - 50 g) con số chung là 120 g - 200 g/ngày. Bậc thứ 4 là sữa và chế phẩm của đậu, dùng 50 g/ngày. Bậc cao nhất là bơ, mỡ không được quá 25 g/ngày. Trên đây là con số chung, có thể tùy theo thể trạng lớn nhỏ, nghề nghiệp hoạt động khác nhau mà điều khiển hợp lý. Kết cấu ăn uống hợp lý thể hiện sự cân bằng dinh dưỡng, cân bằng giữa tính acid và tính baz, tạo nên kết quả thay cũ đổi mới cân bằng cho cơ thể.

4. Tập luyện theo phương pháp dưỡng sinh.- Từ thời cổ đại đã có tư tưởng chỉ đạo luyện tập: Hưu thủy bất hủ, hộ khu bất đố (nước chảy không thối, cửa rã không mối mọt). Ta có thể luyện thái cực quyền, khí công... nhằm khơi dậy gân cốt, điều tiết khí huyết, kinh lạc lưu thông. Thái cực quyền là võ thuật rèn luyện sức khỏe hàng đầu của Trung Quốc, là bài tập phối hợp giữa ý thức, hô hấp và luyện tập. Động tác của thái cực quyền rất uyển chuyển khoan thai, trong tĩnh ngoài hoạt, có thể đạt mục đích hoạt động gân cốt, lưu thông khí huyết, thực hiện cân bằng âm dương. Phương pháp này còn có tác dụng phòng thân bảo vệ an toàn.

5. Phương pháp hoạt động trí não khoa học.- Sách cổ có câu “Thần cường tất đa thọ”, nhấn mạnh hoạt động trí não là một phương pháp hữu hiệu có tác dụng làm chậm việc lão hóa cơ thể. Cần học tập, nhân mạn lão (chăm học tập, người lâu già). Ta cần bồi dưỡng hứng thú học tập hoạt động trí não một cách khoa học. Ngoài việc được mở rộng tầm nhìn nâng cao tri thức còn có thể kích thích tế bào não tái sinh. Người già cần có tập quán đọc sách, báo, xem truyền hình và tùy theo hứng thú có thể chăm sóc cây cảnh, hội họa, ca hát v.v...

6. Dùng thuốc nâng cao sức khỏe.- Nguyên tắc cơ bản của việc dùng thuốc là: Bổ hư trị bệnh, tăng cường sức khỏe, làm chậm lão hóa, kéo dài tuổi thọ.