Phi thuyền Voyager-1 vượt ranh giới hệ mặt trời

(NLĐO)- Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) vừa thông báo tàu thăm dò Voyager-1 đã rời khỏi hệ mặt trời của chúng ta, xác nhận thông tin được đăng tải trên tạp chí Science trước đây.

Đến nay, vị trí của Voyager-1 ở cách chúng ta 19 tỉ km - khoảng cách mà tín hiệu vô tuyến phải mất 17 giờ để được chuyển từ nơi gửi đến nơi nhận. Voyager-1 đã trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên vượt qua ranh giới hệ mặt trời.

Chủ nhiệm chương trình Voyager, GS Ed Stone, thông báo: “Đây thực sự là bước ngoặt then chốt mà chúng tôi hy vọng đạt đến khi dự án bắt đầu hơn 40 năm trước là đi tới không gian liên tinh tú. Đây không chỉ là bước ngoặt khoa học mà còn là bước ngoặt lịch sử. Nó mang ý nghĩa giống như các hành trình thám hiểm vòng quanh trái đất lần đầu hoặc đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thám hiểm không gian giữa các vì sao”.
 
img
NASA xác nhận tàu Voyager-1 đã rời khỏi hệ mặt trời - Ảnh BBC

Theo dự kiến, trong hành trình của mình, Voyager-1 không thể đến gần một ngôi sao nào đó trong khoảng gần 40.000 năm nữa dù vận tốc của nó lên tới 45 km/giây.

Căn cứ vào những thông tin thu thập được, các nhà khoa học kết luận rằng Voyager-1 đã vượt qua biên giới hệ mặt trời hôm 25-8-2012 nhưng đến nay NASA mới chính thức công bố thông tin này.

Voyager-1 rời trái đất vào ngày 5-9-1977, chỉ vài ngày sau khi tàu Voyager-2 được phóng đi với mục tiêu ban đầu của cả hai là khảo sát sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên vương và sao Hải vương. Mục tiêu này đã hoàn thành hồi năm 1989.

Sau đó, 2 tàu thăm dò tiến sâu vào không gian. Theo dự kiến, năng lượng plutonium của chúng sẽ ngưng cung cấp điện trong khoảng 10 năm tới. Lúc đó, các thiết bị, kể cả máy phát tín hiệu 20W, sẽ tắt hẳn.