Thuốc bảo vệ thực vật: Con dao hai lưỡi
Thuốc bảo vệ thực vật là hóa chất độc hại được sử dụng trong nông nghiệp, nó như con dao hai lưỡi, bảo vệ hoa màu nhưng gây ảnh hưởng môi trường và cả cho người

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách
Các loại thuốc BVTV đều có độc tính cao. Trong quá trình dùng thuốc, một lượng thuốc nào đó có thể đi vào trong thân cây, quả hoặc bám trên lá, quả. Người và động vật ăn phải các loại nông sản này có thể bị ngộ độc. Một số loại thuốc BVTV có khả năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí choáng ngất cho người trực tiếp phun thuốc. Việc phân loại thuốc BVTV có thể thực hiện theo nhiều cách như phân loại theo đối tượng phòng trừ (thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh,…) hoặc phân loại theo gốc hóa học (nhóm clo hữu cơ, nhóm lân hữu cơ…). Các thuốc BVTV có nguồn gốc khác nhau thì độc tính và khả năng gây độc cũng khác nhau.
Để việc sử dụng hóa chất đạt được yêu cầu hiệu quả và an toàn cho người, phải áp dụng một số nguyên tắc chính như sau:
Không sử dụng thuốc quá độc. Thực tế, thuốc BVTV nào cũng độc nhưng mức độ độc thay đổi tùy theo loại thuốc. Để thể hiện mức độ độc của mỗi loại thuốc, người ta sử dụng chỉ số gây độc cấp tính LD 50 hay còn gọi là liều gây chết trung bình căn cứ vào việc thử nghiệm trên thỏ hoặc chuột bạch. Chỉ số LD 50 càng thấp thì thuốc càng độc và ngược lại.
Không sử dụng thuốc lâu phân hủy. Thuốc BVTV khi phun vào môi trường sẽ bị phân hủy dần dần do tác động của mặt trời, hoạt động sinh hóa cho đến khi hoàn toàn không còn chất độc nữa. Người dân nên sử dụng các loại thuốc nhanh phân hủy.
Không dùng quá liều quy định. Nếu dùng quá liều thì dư lượng để lại sẽ cao hơn bình thường làm sản phẩm nhiễm độc.
Không sử dụng các loại thuốc có lượng hoạt chất sử dụng quá cao. Khi sử dụng các thuốc này cho một đơn vị diện tích rau thì dư lượng còn lại sau thu hoạch chắc chắn sẽ cao. Trên nông sản, đặc biệt là trên cây rau, không nên sử dụng các thuốc nhóm clo, lân hữu cơ và carbamte.
Cẩn thận khi phun thuốc
Để tránh bị nhiễm độc thuốc BVTV, nông dân nên hết sức cẩn thận trong quá trình phun thuốc vì đây là quá trình dễ gây ngộ độc thuốc BVTV nhất. Theo PGS-TS Trần Văn Hai, Bộ môn Bảo vệ thực vật Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường ĐH Cần Thơ, người phun thuốc cần trang bị đồ bảo hộ lao động như áo dài tay và quần dài, nón che nắng, khẩu trang để che miệng và mũi, kính bảo hộ mắt, bao tay, ủng, giày cao su, yêu cầu đồ bảo hộ lao động phải che phủ cơ thể.
Khi phun rải thuốc BVTV nên kiểm tra ruộng, rau màu bảo đảm ở đó không có người và gia súc. Đọc kỹ nhãn để biết mối nguy hiểm với môi trường, gắn biển báo ở nơi sau khi phun thuốc, rửa sạch bình bơm ngay sau khi phun, phun đều khắp ruộng, không phun chồng lối. Không nên phun khi trời nổi gió, chuyển mưa, ngược chiều gió, lúc trưa nắng, phun khi cơ thể suy yếu, mệt mỏi. Không cho trẻ em và phụ nữ mang thai phun thuốc, không ăn uống, hút thuốc trong khi phun…
Nhận biết ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật
Các biện pháp sơ cứu Cần đọc kỹ nhãn về phòng chống độc. Bình tĩnh đưa nạn nhân ra xa nơi nhiễm thuốc, cởi đồ nhiễm thuốc và rửa sạch vùng da nhiễm thuốc. Gây nôn, nếu nạn nhân còn tỉnh táo và nhãn thuốc cho phép. Đặt nạn nhân nằm ổn định, giữ ấm nếu thấy lạnh. Trường hợp nạn nhân nóng quá, cần lau bằng khăn lạnh. Theo dõi nhịp thở, nếu ngừng thở thì làm hô hấp nhân tạo, phải kiên trì đến khi nạn nhân thở lại bình thường. Không cho uống sữa vì sữa làm thuốc thấm nhanh vào ruột, chỉ cho uống nước đun sôi để nguội hoặc nước trà đường loãng. Tuyệt đối không cho người bị nhiễm độc hút thuốc, uống rượu. Đưa nạn nhân đến nơi cấp cứu gần nhất và phải mang theo nhãn thuốc để nhân viên y tế biết loại thuốc BVTV nào để chẩn đoán, điều trị kịp thời. |