Thương hiệu “Đại học Bách khoa”
Từ nhiều năm qua, tập thể giáo viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM (ĐHBK) - đã chủ động chọn lựa và quyết tâm đi đến tận cùng để tạo nên một thương hiệu “Đại học Bách khoa” đúng nghĩa…
Chuyện từ những chiếc máy
“Đây là máy cân bằng động, made in Vietnam 100%, hiện đang độc chiếm trên thị trường, và sẽ không ai ngờ là nó được chế tạo từ phòng thí nghiệm của một trường đại học…” - anh Nguyễn Đức Tuân, chủ xưởng sửa chữa điện cơ dụng cụ cầm tay Đức Tuân (112 Bình Giã, Tân Bình) vừa vuốt ve chiếc máy đã nằm cuối xưởng, vừa đắc ý nói.
Thấy chúng tôi chưa hết ngạc nhiên, anh tiếp: “Đây là một thiết bị cực kỳ phổ biến, các cơ sở chế tạo, sửa chữa bảo trì máy móc rất cần, nhưng bấy lâu nay mình chỉ nhập, mà giá quá đắt…”.
Theo anh Tuân, vì thiếu một thiết bị đo lường “cực kỳ phổ biến” ấy nên trước đây cơ sở anh luôn phải chấp nhận sản phẩm làm ra chỉ đạt 50% chất lượng. Cho đến năm 2001, khi nghe giới cơ khí mách nhau về sự xuất hiện của loại thiết bị này tại Trường ĐHBK, anh không tin lắm về chất lượng, nhưng cũng lần mò đem hàng đến cân thử.
Anh kể: “Thật không ngờ được, máy rất tốt, mà bất ngờ hơn là giá chỉ bằng 1/8 giá hàng nhập, tôi tìm đến trường đặt mua ngay. Bạn bè, học trò tôi tới thăm xưởng thấy máy mê quá cũng tới trường đặt làm…”.
Từ khi có máy hỗ trợ, theo lời anh Tuân, sản phẩm của anh đạt đến 99,9% chất lượng. Mua 3 cái máy đặt tại 3 xưởng sữa chữa, sau 5 năm sử dụng, anh Tuân kết luận: “Tôi chưa thấy máy cân bằng của Mỹ, nhưng nhìn dấu vết trên sản phẩm được cân bằng từ máy của Mỹ, tôi thấy chất lượng cũng chỉ như máy cân bằng của đằng mình”.
Chị Vương Thùy Mai, Trưởng phòng Kinh doanh công ty TNHH Thương mại Liên Anh, cho biết: “Từ khi thị trường xuất hiện bộ điều khiển tự động (CNC) của ĐHBK, lắp ráp được cho hầu hết các loại máy phay hiện có trên thị trường Việt Nam, công ty tôi năm nào cũng mua một bộ. Trước đó thì chỉ mua hàng của Đức vì Việt Nam không có”.
Dẫn chúng tôi tham quan xưởng sản xuất, thấy tôi ngạc nhiên trước hàng loạt cỗ máy phay, tiện đang tự hoạt động, một công nhân đứng máy dẫn giải: “Trước đây tụi em điều khiển máy phay, tiện đều bằng tay nên hàng làm ra ít chính xác mà thao tác vận hành cũng phức tạp, mệt lắm…”. Đứng bên một chiếc hộp bên trong có màn hình vi tính, anh công nhân vừa thao tác vừa nói: “Giờ đây chỉ cần vài cái gõ bàn phím thì bộ phận máy tiện biến thành tự động, làm theo đúng quy trình mà mình chỉ ra trên bàn máy tính…”. Theo lời các công nhân ở đây, chất lượng của CNC làm từ ĐHBK ngang với CNC của… Đức.
Mệnh lệnh từ cuộc sống
Tôi tìm đến trường ĐHBK, nơi đã tạo ra một thương hiệu về hệ thống do lường và thiết bị tự động hoá đang ngày một chiếm lĩnh thị trường. TS Nguyễn Quốc Lân, phó khoa Khoa học ứng dụng, kể về nữ GS-TS Ngô Kiều Nhi, “cha đẻ” của hàng loạt công trình nghiên cứu đoạt các giải thưởng. Sau chuyến tham quan Pháp năm 1986, bà trở về với ý tưởng sẽ ứng dụng kỹ thuật số vào việc thiết kế chế tạo máy - khi đó, máy vi tính vẫn còn được coi là một “vật thể lạ” ở Việt Nam. Nhưng lúc đó, bà và nhà trường không có điều kiện để thực hiện ý tưởng này.
TS Lân kể: “Sau này, mỗi lần đi dự hội chợ hàng cơ khí, GS Nhi rất bức xúc khi thấy gian hàng nào cũng bày hàng loạt máy CNC của Đức, của Trung Quốc, mà cái nào cái nấy giá cũng… trên trời, 1- 2 tỉ đồng. GS về cứ trăn trở hoài: Một doanh nghiệp bình thường làm sao mua nổi, mà mua không nổi thì công nhân Việt Nam cứ làm tay hoài sao…?”. Những thôi thúc từ đời sống xã hội khiến trái tim nhà khoa học phải bắt tay vào các công trình nghiên cứu ứng dụng với bất cứ giá nào…
Giữa trưa tháng 10-2005, chúng tôi gặp bà tất tả đi ra từ phòng thí nghiệm, rồi tất bật chuẩn bị lên giảng đường. Tôi hỏi bà: “Ở GS, vai trò nào, nhà khoa học hay giảng viên đại học, được GS đặt lên hàng đầu?”. Bà nói về một quan niệm không mới, nhưng được cụ thể hóa bằng hành động của chính mình: “Tôi và rất nhiều đồng nghiệp của trường luôn xác định rằng, nhiệm vụ của một cán bộ giảng dạy ĐH cũng bắt buộc phải là một nhà khoa học. Mà nhiệm vụ nghiên cứu phải trên cả giảng dạy”.
Theo bà, đã nghiên cứu khoa học phải tạo ra sản phẩm, sản phẩm này phải được chấp nhận thông qua việc chuyển giao công nghệ, các hợp đồng kinh tế… chứ không chỉ tạo ra sản phẩm để triển lãm.
Thương hiệu “Đại học Bách khoa”
GS-TS Ngô Kiều Nhi bảo rằng sản phẩm của khoa Cơ chỉ là một trong hàng trăm sản phẩm của Trường ĐHBK đang được xã hội đón nhận. Sản phẩm panel nhẹ được chế tạo từ vật liệu bê tông nhẹ cốt xơ dừa dùng để lắp ghép xây dựng nhà ở rẻ tiền thay thế nhà vách lá tạm bợ, hiện đang sử dụng ở khắp đồng bằng sông Cửu Long (đề tài này đã đạt giải thưởng ở hội nghị quốc tế tại Singapore). Thiết bị rang xay cà phê nhân với chất lượng tương đương ngoại nhập nhưng giá thành chỉ bằng 1/10 máy của Đức, lần đầu tiên ứng dụng tại cà phê Trung Nguyên đã làm nên nhãn hiệu cà phê hoàn tan G7 nổi tiếng.
Robot cran phục vụ trong việc quay phim với giá thành thấp hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại ngoại nhập đang được các đài VTV, Đồng Nai, Đồng Tháp sử dụng… Tất cả đã làm nên một thương hiệu ĐH Bách khoa. Thế nhưng, điều quan trọng hơn cả là chính những giảng viên này đã truyền được ngọn lửa say mê nghiên cứu qua học trò. Không ai có thể quên những thành công vang dội của sinh viên ĐHBK khi tham gia những cuộc thi sáng tạo Robotcon châu Á Thái Bình Dương.
Đi từ nghiên cứu lý thuyết trong phòng thí nghiệm đến nghiên cứu ứng dụng rồi nghiên cứu triển khai và sản xuất đại trà là cả một quá trình cam go đối với Trường ĐHBK. Nhưng tập thể giáo viên trường đã chủ động chọn lựa và quyết tâm đi đến cùng.