Xăng dầu tự chế: Bao giờ được sử dụng?
Gần 10.000 tấn xăng chứa aceton đã vào VN làm hư hỏng hàng loạt động cơ xe máy và ô tô. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học trong nước tự chế được xăng dầu giá rẻ, không nguy hại cho động cơ xe và môi trường lại chỉ để “phòng thí nghiệm”.
Hội thảo “Nhiên liệu có nguồn gốc sinh học biofuel và biodiesel ở Việt Nam” do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 23-8, cho biết, các công trình nghiên cứu tạo ra xăng, dầu tự chế ở phía Nam đã vượt con số 10. Đó là đề tài “Sử dụng dầu thực vật Việt Nam làm nhiên liệu biodiesel” của tác giả Hồ Sơn Lâm (Viện KH Vật liệu ứng dụng); tổng hợp biodiesel từ nguồn mỡ phế thải bằng xúc tác zeolit của TS Nguyễn Đình Thành; chế tạo phụ gia rẻ tiền sử dụng cho xăng nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu môi trường của PGS-TS Phạm Thị Lan Hương; xây dựng quy trình phối trộn và thử nghiệm gasohol cho động cơ của PGS-TS Nguyễn Phương Tùng... Chưa hết, kỹ sư Lê Ngọc Khánh, cán bộ Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam đã nghỉ hưu, đã nghiên cứu và tự chế ra xăng dầu để chạy xe khoảng 4 năm, tính cả thời gian nghiên cứu cũng ngót nghét 10 năm... nhưng cũng chỉ dùng và biếu chơi... chứ chưa “phổ biến rộng rãi được”.Giá các loại xăng dầu tự chế thường rẻ hơn từ 30% đến 50%. Giá của gasohol (xăng pha 10% cồn) được Phân viện Khoa học Vật liệu TPHCM ước chừng khoảng 7.000 đồng/lít; biodiesel (dầu sinh học) cũng khoảng 7.500 đồng/lít; còn xăng do kỹ sư Lê Ngọc Khánh tự chế có tên gọi C95 giá thành chỉ 4.500 đồng/lít. Kỹ sư Khánh còn chế ra xăng pha 70% cồn tương đương xăng A95 với giá khoảng 7.250 đồng/lít.
Không chỉ rẻ, những loại xăng này còn được “đánh giá” là chỉ số ô nhiễm môi trường thấp hơn rất nhiều so với xăng thông thường. Chẳng hạn, loại xăng do kỹ sư Lê Ngọc Khánh chế tạo có tên gọi C95 được chế tạo trên cơ sở biến đổi thành phần cồn 96% và condensat (cặn lỏng khí thiên nhiên), theo xác định của Hội đồng Khoa học do PGS - TS Lê Huy Hàm làm chủ tịch, có nồng độ CO chỉ ở mức 0,66%, nhiệt độ dầu bôi trơn chỉ khoảng 58oC, mức ô nhiễm thấp hơn so với xăng A92. Mặt khác, chỉ số ăn mòn máy của xe khi chạy xăng này rất thấp. Điều đặc biệt của loại nhiên liệu mới này là không phải thay thế bất cứ chi tiết nào của động cơ xe.
Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công nghiệp, cho biết: Hiện Bộ Công nghiệp đang xây dựng đề án trình Chính phủ về các loại nhiên liệu thay thế. Ông Cường cũng thừa nhận “việc giải quyết vấn đề nhiên liệu là khá phức tạp và chưa thể nói được điều gì”. Theo ông Cường, để đưa xăng tự chế ra thị trường cần có bộ tiêu chuẩn Việt Nam cho xăng pha. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt của việc đưa xăng tự chế qua nghiên cứu vào sản xuất ứng dụng, nhưng đến nay vẫn chưa có.