Khuyến sinh, nâng chất giống nòi: Cấp thiết ứng phó già hóa dân số

Mới đây, quy định về việc đảng viên sinh con thứ ba trở lên sẽ không còn bị kỷ luật được xem là mở đường cho những thay đổi tích cực trong chính sách dân số.

Mức sinh giảm mạnh cộng với tình trạng già hóa dân số nhanh đang đe dọa nguồn nhân lực và việc tăng trưởng bền vững của Việt Nam nên cần sớm có những quyết sách khuyến sinh bền vững.

Mới đây, quy định về việc đảng viên sinh con thứ ba trở lên sẽ không còn bị áp dụng hình thức kỷ luật được xem là mở đường cho những thay đổi tích cực trong chính sách dân số. Nhiều quyết sách đã và đang được sửa đổi để khuyến khích người dân sinh con.

"Hội chứng 4-2-1"

Theo các chuyên gia dân số, áp lực kinh tế, công việc, nhà ở khiến nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải cân nhắc khi quyết định có con.

Mức sinh thời gian qua đặc biệt thấp tại các thành phố lớn và khu công nghiệp - nơi chi phí nuôi dạy con cao khiến nhiều gia đình trì hoãn, thậm chí từ chối sinh thêm con. Không ít cặp vợ chồng dù đã kết hôn 4 - 5 năm vẫn chưa có ý định sinh con. Xu hướng này đã đẩy mức sinh của Việt Nam năm 2024 xuống thấp nhất trong lịch sử.

Khuyến sinh, nâng chất giống nòi: Cấp thiết ứng phó già hóa dân số- Ảnh 1.

Trẻ chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Trẻ chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2019 đến 2024, dân số Việt Nam mỗi năm tăng gần 1 triệu người - tốc độ tăng trung bình chỉ 0,99%, giảm so với mức 1,22% giai đoạn 2014 - 2019. Các nghiên cứu của Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng mức sinh thay thế của Việt Nam đang giảm mạnh nhất trong 12 năm qua. Trong 2 năm 2023 - 2024, tỉ lệ sinh có dấu hiệu giảm nhanh. Năm 2023, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ. Dù 2024 được coi là "năm đẹp" nhưng mức sinh không những không tăng mà còn tiếp tục giảm, ở mức thấp nhất từ trước đến nay là 1,91 con/phụ nữ.

Đề cập nguyên nhân, Bộ Y tế cho rằng điều kiện sống được cải thiện và trình độ học vấn ngày càng cao khiến nhiều người, nhất là các cặp vợ chồng trẻ, ưu tiên phát triển sự nghiệp và tìm kiếm công việc tốt để bảo đảm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, áp lực kinh tế đối với các gia đình trẻ ngày càng lớn, nhất là chi phí sinh hoạt, nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Ngoài ra, dù chính sách hỗ trợ gia đình có con nhỏ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân.

GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), cho biết thực tế từ nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu... cho thấy khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại. Năm 2022, Nhật Bản có tổng tỉ suất sinh là 1,26, Hàn Quốc 0,78 con/phụ nữ... Nếu Việt Nam không sớm có những chính sách kịp thời, mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

"Nhiều nước phát triển có mức sinh thấp kéo dài, mỗi cặp vợ chồng sinh không đủ 2 con nên đã làm dân số suy giảm, thiếu lao động trầm trọng và trở thành quốc gia có dân số siêu già, gây nhiều hệ lụy. "Hội chứng 4-2-1" đã xuất hiện ở phạm vi gia đình (4 ông bà nội, ngoại; 2 bố mẹ và 1 con). Với mô hình này, đứa con khi còn nhỏ được 6 người chăm sóc nhưng lớn lên lại phải chăm sóc 6 người cao tuổi. Tình huống này không chỉ bất lợi đối với sự trưởng thành của người con mà còn đối với cả chất lượng cuộc sống của gia đình" - ông Cử lo ngại.

Sắp bước vào giai đoạn dân số già

Phân tích về xu hướng sinh ít con, GS-TS Nguyễn Đình Cử cho rằng mô hình sinh sản ở Việt Nam đang chuyển từ số lượng sang chất lượng, nghĩa là từ sinh nhiều con, chất lượng thấp sang sinh ít con, chất lượng cao. Để có những đứa con sức khỏe, được giáo dục tốt, tất nhiên chi phí phải lớn.

Khảo sát về mức sinh thấp ở Nam Bộ năm 2019 cho thấy hơn 90% cha mẹ đánh giá chi phí nuôi dạy con tốn kém hoặc rất tốn kém. Trong khi đó, đến năm 2024, thu nhập bình quân của lao động mới đạt 7,7 triệu đồng/tháng. Trong bối cảnh này, sinh đủ 2 con đối với nhiều người là một thách thức lớn.

Theo ông Cử, ngày nay, nhiều cặp vợ chồng nói chung và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nói riêng có học vấn cao, hầu hết tham gia lực lượng lao động. Họ ít có thời gian, điều kiện dành cho việc chăm sóc con cái. Họ có nhiều khát vọng thăng tiến về học vấn, tay nghề, vị trí xã hội, tăng thu nhập... và cả vui chơi, giải trí, sự tự do, tự quyết, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để đạt được khát vọng thăng tiến và những nhu cầu này, ít con là một giải pháp, một điều kiện. Đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến xu hướng sinh ít con, thậm chí ngại sinh con.

Bộ Y tế dự báo trong giai đoạn 2019-2069, trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số Việt Nam bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm ngày càng lớn. Giai đoạn 2054-2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04% và mức giảm ở cuối thời kỳ dự báo (2064-2069) là 0,18%/năm - tương đương giảm 200.000 người mỗi năm.

Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo thì đến cuối giai đoạn này, dân số Việt Nam vẫn tăng nhẹ. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2064-2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người/năm. Kịch bản này, với xu thế sinh giảm hiện nay, khó có khả năng xảy ra.

Theo hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ ngày 20-3-2025, đảng viên sinh con thứ ba không còn bị xử lý kỷ luật. Trong Pháp lệnh Dân số sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Bộ Y tế đề xuất cho phép lao động nữ khi sinh con thứ hai được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng và được hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội.

Việc không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba trở lên và hàng loạt thay đổi về chính sách dân số để thúc đẩy mức sinh được nhiều chuyên gia dân số nhìn nhận là chủ trương đúng đắn, phù hợp, có cơ sở thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế. Đây được coi là bước chuyển có tính linh hoạt, nhân văn và kịp thời, trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn về dân số.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối của thời kỳ "dân số vàng". Dự báo đến năm 2036, tỉ lệ người cao tuổi sẽ đạt 20%, đánh dấu việc nước ta chính thức bước vào giai đoạn dân số già.

Khi dân số già đi, tỉ lệ người lao động giảm, số người phụ thuộc tăng, dẫn đến gánh nặng tài chính và an sinh ngày càng lớn cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục duy trì chính sách sinh ít con không còn phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Nhật Bản...

Theo các chuyên gia dân số, nhiều quốc gia trên thế giới đang chứng kiến xu hướng mức sinh giảm. Một báo cáo gần đây của UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc) cho thấy 2/3 dân số thế giới đang sống ở các quốc gia có tỉ suất sinh dưới mức thay thế.

GS-TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng để thực hiện khuyến sinh, không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con và hỗ trợ chỉ một lần. Điều quan trọng hơn vẫn là những chế độ hỗ trợ lâu dài cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con, để họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất.

Trên thế giới, nhiều quốc gia có mức sinh giảm thấp đã liên tục đưa ra các biện pháp ngăn đà giảm. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc - kỷ lục về tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, Chính phủ tăng gấp ba lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh, tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Trong khi đó, Nhật Bản đang triển khai các biện pháp chưa từng có nhằm thay đổi xu hướng giảm dân số, như thành lập cơ quan trẻ em và gia đình, cam kết tăng gấp đôi trợ cấp cho trẻ. Tại Hungary, phụ nữ sinh 4 con trở lên không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời...

Để việc khuyến sinh trở nên bền vững, GS-TS Nguyễn Đình Cử cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ các gia đình nhằm giảm nhẹ chi phí nuôi dạy con. Có nhiều hình thức chia sẻ chi phí này, như: Trợ cấp sinh con, miễn học phí từ bậc mầm non đến hết THPT; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn/giảm đóng góp trong cộng đồng dân cư; chính sách hỗ trợ về nhà ở...

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống dịch vụ gia đình, trẻ em, như: Hệ thống nhà trẻ, giáo dục, chế biến thức ăn, vui chơi, giải trí...; hỗ trợ kinh phí cho các cặp vợ chồng điều trị vô sinh, hiếm muộn.

"Đứa trẻ lớn lên không chỉ mang lại lợi ích, hạnh phúc cho gia đình mà còn trở thành chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, là lao động cho doanh nghiệp, xây dựng đất nước. Vì vậy, việc nhà nước và cộng đồng có trách nhiệm chia sẻ chi phí nuôi dạy con không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn hợp lý, xét trên phương diện chi phí và lợi ích" - ông Cử nhấn mạnh. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-4

Vô sinh thứ phát tăng 20% mỗi năm

Theo Bộ Y tế, ước tính Việt Nam hiện có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn (tỉ lệ khoảng 7,7%). Trong đó, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Tỉ lệ vô sinh thứ phát đang gia tăng, đến 15%-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Thực trạng hiếm muộn tăng trên nền giảm dân số càng làm tình trạng già hóa dân số trầm trọng hơn.

PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), cho biết tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam tăng nhanh không chỉ tác động đến dân số mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và tâm lý các cặp vợ chồng liên quan. "Hỗ trợ tài chính và mở rộng cơ hội điều trị không chỉ giúp giảm gánh nặng kinh tế mà còn tiếp thêm động lực cho các gia đình trong hành trình làm cha mẹ, góp phần ổn định và phát triển xã hội bền vững" - BS Tuyết nhận xét.

X.Thu